Đại biểu Quốc hội nói về đường đi của buôn lậu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế và ngân sách Nhà nước trước Quốc hội sáng nay 31/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nêu tình trạng buôn lậu để chứng minh tình trạng trên nóng dưới lạnh, Chính phủ quyết liệt nhưng bộ máy hành pháp bên dưới vẫn còn thờ ơ.

ĐB cho hay, tình trạng buôn lậu đã và đang sôi động trên đất liền cũng như trên biển. Thiệt hại buôn lậu mang lại cho nền kinh tế rất lớn nhưng không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.
 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Tỉnh Ninh Thuận
Đơn cử như buôn lậu thuốc lá, sau khi nghe truyền thông phản ánh, đại biểu đã đi thực tế để mục sở thị ở các tỉnh phía nam, ĐB nhận thấy một số điều sau: Thứ nhất vận chuyển buôn lậu khá công khai ở thời điểm nhất định trong ngày. Như ở Châu Đốc xe máy chở thuốc lậu từng tốp hoạt động mạnh từ 1 đến 4 giờ sáng. “Anh em nói sáng hôm sau phải qua Long An trước 13 giờ. Tại sao phải đến trước 13 giờ, theo tiết lộ đó là giờ mà bọn buôn lậu mua được. Quả nhiên 12h 30 có mặt cách cửa khẩu Bình Hiệp vài trăm mét, sau vài phút xe máy buôn lậu chạy rầm rầm với tốc độ kinh hoàng” - ĐB kể lại chuyến đi thực tế.

Thuốc lậu được bán công khai ở các chợ Long An, An Giang, chợ Kiến Tường ở thị trấn Kiến Tường, chợ Châu Đốc… Có trưng bày hay không trưng bày nhưng muốn mua loại thuốc lá gì cũng có.

“Trong 3 ngày đi thực tế, tôi chỉ mong một lần gặp các lực lượng chức năng đi kiểm soát nhưng tuyệt nhiên không có lực lượng nào. Không phủ nhận những kết quả cũng như cố gắng mà lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua nhưng tôi muốn nói nếu không tăng cường, tích cực thì buôn lậu còn gia tăng, nhất là thời điểm này đã gần đến dịp Tết”, ĐB nói.

Theo ĐB, bên cạnh việc chống buôn lậu thuốc lá, những giải pháp khác cũng phải xem xét quyết liệt. Chúng ta cứ đề nghị tăng thuế thuốc lá vì cho rằng thuốc lá của Việt Nam rẻ. Việc tăng thuế theo lộ trình là cần thiết nhưng hiện tại thuốc lá sản xuất trong nước loại rẻ nhất chỉ 10 nghìn trong khi thuốc lá lậu nhiều loại mua chỉ 4 nghìn đồng/bao. Vậy việc tăng thuế thuốc lá nhằm tăng giá thuốc lá vô tình lại kích cầu cho buôn lậu trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại nhiều kết quả. Một vấn đề nữa về vấn đề tiêu thụ trong nước và tái xuất thuốc lá lậu. “Tái xuất có khi chưa đến biên giới đã quay ngược trở lại Việt Nam. Đề nghị Chính phủ sáng suốt trong các giải pháp nói trên”, ĐB kiến nghị.
Một minh chứng nữa cho tình trạng trên nóng dưới lạnh, ĐB Nguyễn Sỹ Cương chỉ ra, Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng ở địa phương thì không thực hiện.

ĐB nói: Những vụ phá rừng ở các địa phương thời gian qua vẫn nhức nhối. Tiếp xúc với chủ một DN gỗ nghe anh ta nói mới biết để trồng rừng và giữ rừng khó khăn đến mức nào. Theo chủ DN này thì nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng đến như vậy. Một cây to có đường kính 1 mét phải 70—100 năm mới có được nhưng với lâm tặc chỉ 16 phút là xong. Một trạm kiểm lâm mỗi 1 đêm có khoảng 80-100 xe máy đi qua, mỗi xe chở 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm 300-400 nghìn tiền tiêu cực thì số liệu thu hồi bất chính không hề nhỏ. Cứ như vậy bao lâu nữa còn đâu là rừng?.

"Nếu cứ cảnh phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét cho ý kiến chỉ đạo mà không chiu bất cứ hình thức kỉ luật nào thì đến bao giờ lệnh của Thủ tướng đóng cửa rừng mới trở thành hiện thực?, ĐB Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn.