Đại biểu Quốc hội nói về những bất cập trong đầu tư các dự án BOT, BT

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một dự án mất hàng năm để làm thủ tục; việc thực hiện không nhất quán các cơ chế chính sách, các cam kết hợp đồng... Đó là những phàn nàn về bất cập trong cơ chế đầu tư các dự án PPP (đối tác công tư), mà các đại biểu Quốc hội nêu ra sáng 26/10.

ĐB Quốc hội Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên). Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay (26/10), tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về các vấn đề kinh tế - xã hội hàng năm và giữa kỳ 2016 - 2020, đại biểu (ĐB) Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) cho rằng, việc thực hiện không nhất quán các cơ chế chính sách, các cam kết hợp đồng của một số cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư, đã đang và sẽ đem lại rủi ro về doanh thu. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ theo hình thức BOT.

Minh chứng rõ hơn về những bất cập trên, ĐB Nhã nêu thực tế của CTCP Đầu tư Đèo Cả (đang là nhà đầu tư BOT hầm Đèo Cả, bao gồm hầm Đèo Cù Mông và mở rộng hầm Đèo Hải Vân).
Theo đó, mức thu phí qua hầm Đèo Cả chỉ được thu bằng phí đường bộ quốc lộ 1 là thấp trong khi suất đầu tư Hầm đường bộ cao là không hợp lý. Mức thu này kéo dài chậm đổi mới. Thứ hai, phương án tài chính để hoàn vốn bù vào 2 khoản mà công ty đã ứng ra cho NSNN 900 tỷ đồng để mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 1; và 300 tỉ đồng xin vận hành đèo Hải Vân. Nhưng thực tế, từ năm 2016 đến nay không thể thực hiện thu phí do không thể lập thêm thu phí ở đường Nam hầm Hải Vân, vì trước đó Bộ GTVT đã lập sai vị trí trạm thu phí Bắc đèo Hải Vân để thu phí hoàn vốn cho dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia.
"Điều này làm thất thu khoảng 4.000 tỷ đồng của công ty. Đồng thời, đòi hỏi Nhà nước phải bố trí ngân sách Nhà nước để duy trì vận hành của đèo Hải Vân theo đúng cam kết", ĐB khẳng định.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng vi phạm hợp đồng với chủ đầu tư khi báo cáo Chính phủ không lập trạm thu phí La Sơn - Túy Loan. Theo vị ĐB, điều này khiến từ ngày 1/1/2019 Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả không được tổ chức thu phí. Để bù nguồn thu này, ngân sách Nhà nước phải bố trí để hỗ trợ như cam kết: “Nhưng điều quan trọng ở đây là giảm sút niềm tin của nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng cho vay để thực hiện dự án…”.
Một điểm nữa được ĐB Đinh Văn Nhã đề cập đến là hạng mục hầm Đèo Cả và đường dẫn hầm Cổ Mã ban đầu được đầu tư theo hình thức BT và BOT. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội khóa XIII phê duyệt bố trí vốn ngân sách là hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện hơn 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau đó Chính phủ quyết định mở rộng dự án, đầu tư BOT hầm Cổ Mã và mở rộng hầm Hải Vân. Theo đó, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn dư còn lại của dự án trên, để ưu tiên mở rộng giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhưng, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành nên giao Chính phủ thu hồi số tiền còn dư.
“Như vậy các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho chính phủ về dự án hầm Đèo Cả vừa không đúng thẩm quyền, chậm, kéo dài gây thiệt hại cho Công ty Đèo Cả… Nếu những kiến nghị này không được giải quyết thì theo dự báo của các cơ quan vài năm nữa Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả buộc đóng hầm Đèo Cả, dở dang dự án đèo Cù Mông và bàn giao cho nhà nước dự án hầm Hải Vân”, vị ĐB nhấn mạnh.
ĐB Đinh Văn Nhã cho rằng nếu không giải quyết các vấn đề của chủ đầu tư BOT, vài năm nữa Công ty Đèo Cả buộc đóng hầm Đèo Cả, dở dang dự án đèo Cù Mông và bàn giao cho nhà nước dự án hầm Hải Vân.
Phát biểu sau ĐB Nhã, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị Chính phủ ráo riết thực hiện cải cách hành chính, thực hiện các dự án đầu tư nhanh chóng. Theo ông Phương, hầu hết dự án mất nhiều thời gian do chờ đợi từ các cơ quan chức năng.
"Một dự án nhỏ nhưng có khi mất hàng năm mới làm xong các thủ tục. Vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục, việc phân bổ vốn đầu tư cho dự án chậm khi phải qua nhiều trung gian. Dự án muốn rót vốn phải làm hồ sơ lên Bộ. Trong Bộ có nhiều Cục, trong Cục có nhiều phòng ban phụ trách. Quá trình nhiều tầng nấc nên dự án mất nhiều thời gian. Thậm chí nhiều dự án bổ sung một hạng mục cũng mất hàng năm trời mới được cấp vốn", ông nêu.
Còn ĐB Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nêu, rủi ro chính sách tại các công trình đầu tư theo hình thức BT, BOT đã làm nản lòng các nhà đầu tư, và gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là thủ tục hành chính đưa ra. “Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đủ để khơi thông dòng vốn này phục vụ có hiệu quả cho phát triển đất nước”, ĐB kiến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần