Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ: Cơ hội, thách thức kinh tế-xã hội dưới tác động của đại dịch Covid-19

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/6, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Tránh sự trùng lắp, lãng phí khi thực hiện mục tiêu quốc gia
Thảo luận tại Tổ số 5 gồm Đoàn đại biểu các tỉnh: Ninh Bình, Đà Nẵng, Sơn La, Tây Ninh. Dưới sự điều hành của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Chính phủ. Đó là mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của dịch bệnh Covid- 19 song tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao hơn so với các nước; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. Các đại biểu cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh rõ, đầy đủ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cũng như những khó khăn, thách thức, đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 5 chiều ngày 8/6.
Theo Tờ trình của Chính phủ, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao hơn so với các nước; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế - xã hội. An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã thành công bước đầu trong kiểm soát dịch Covid-19, được nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên.
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, những kết quả quan trọng này là rất đáng trân trọng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, động viên và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn tỉnh Ninh Bình) nêu quan điểm: Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh công tác chủ động phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả thì trong thời gian tới, nước ta cần chú trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, phòng chống lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, để thực hiện được những mục tiêu trên thì Chính phủ cần đưa ra mức tăng trưởng ở mức ổn định, kích cầu kinh tế bằng giải pháp kích cầu nội địa, nới lỏng tín dụng và ưu tiên đầu tư công vào những dự án thiết thực, cấp bách.
Đưa ra các giải pháp để góp phần phục hồi nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Ninh Bình) nêu ý kiến: Song song với các giải pháp khuyến khích kích cầu mua sắm, tiêu dùng nội địa thì Chính phủ cần chú trọng đến phát triển du lịch bằng cách kích cầu du lịch ở trong nước. Ngoài ra, Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bằng cách giãn nợ tiền thuê đất cho đến khi doanh nghiệp vượt qua được khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.
Còn đại biểu Đinh Tiến Dũng (Đoàn tỉnh Ninh Bình) cho rằng: Bên cạnh giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu thì Chính phủ đang tăng cường cải cách môi trường đầu tư, chọn lọc nhà đầu tư, kích cầu mua sắm ở trong nước. Song song với đó, Chính phủ và các Bộ ngành cũng cần tăng cường quản lý, sử dụng nguồn vốn, những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, đúng đối tượng.
Cần rà soát lại các dự án để tránh sự chồng chéo, lãng phí và không hỗ trợ đúng đối tượng
Trong phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đa số các đại biểu đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về Chương trình. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình được hiệu quả thì cần có giải pháp hữu hiệu tránh sự trùng lắp, chồng chéo.
Đại biểu Tráng Thị Xuân (Đoàn tỉnh Sơn La) góp ý: Chính phủ cần rà soát lại các dự án, tiểu dự án trong Chương trình để tránh sự chồng chéo, trùng lắp với các chương trình đã thực hiện trước đó như chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, cần có sự rà soát kỹ lưỡng những dự án, hạng mục nào đã được đầu tư ở những chương trình trước thì không cần đầu tư ở Chương trình mới nữa hoặc có thể tích hợp các chương trình, dự án lại với nhau. Ngoài ra, hiện nay, nhiều chương trình đều có sự lồng ghép và có nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, các địa phương mất rất nhiều thời gian để phân định đối tượng được thụ hưởng. Vì vậy, Chính phủ cần có báo cáo, rà soát kỹ để tránh sự hỗ trợ sai mục đích, đối tượng.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn tỉnh Sơn La) cho biết: Hiện nay, các đối tượng, các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia chưa rõ ràng nên rất khó khăn cho các cơ quan, ban ngành, địa phương xác định cụ thể nguồn vốn để chủ động động được số tiền hỗ trợ là bao nhiêu. Ngoài ra, trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ chỉ nên ưu tiên đầu tư vào những dự án nào thực sự cấp thiết với người dân và có hiệu quả, chứ không nên đầu tư dàn trải.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) bày tỏ: Để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia đạt hiệu quả thì cần có sự tổng kết các chương trình trước đó đã thực hiện để từ đó biết rõ được những hạng mục, dự án nào đã đầu tư thực sự hiệu quả; những dự án nào cần tiếp tục triển khai và nên loại bỏ. Bên cạnh đó, cơ quan giám sát của Quốc hội cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án đầu tư để tránh sự lãng phí, thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.
Kết luận tại phiên thảo luận ở Tổ 5, đại biểu Trương Quang Nghĩa (Trưởng đoàn TP Đà Nẵng), cho biết: Có 12 ý kiến của các đại biểu biểu Quốc hội đóng góp cho Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tất cả các ý kiến đều rất thiết thực với mong muốn Quốc hội có những giải pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, cần có sự tổng kết lại các chương trình đã thực hiện trước đó để tránh sự trùng lắp, chồng chéo, gây lãng phí và không đúng đối tượng được thụ hưởng.
Nhận diện thách thức, cơ hội cho kinh tế-xã hội dưới tác động của đại dịch Covid-19
Thảo luận Tổ tại tổ 7 gồm: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị về báo cáo kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được trong phòng chống dịch song cũng đề nghị Chính phủ có thêm dự báo tình hình, các biện pháp ứng phó nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 Đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị.
Theo báo cáo của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao với 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Qua đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong số 12 chỉ tiêu đã hoàn thành, có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch. Như vậy, so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: (i) tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) và (ii) tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo là khoảng 7,9%).

Đại biểu Hoàng Bình Quân (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) đánh giá cao kết quả này và cho rằng chỉ tiêu về GDP và tổng kim ngạch xuất khẩu là những chỉ tiêu quan trọng mang tính chi phối, là nguồn mạch cho sự phát triển kinh tế. Do đó việc vượt kế hoạch đề ra ở cả hai chỉ tiêu này là điều rất quan trọng, cần được phân tích sâu hơn để thấy được sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan. Ngoài ra theo đại biểu, huy động vốn xã hội đạt 33,9% cũng là dấu hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Bình Quân cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội như chậm giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ rõ giải ngân vốn đầu tư công trong Quý I/2020 mới chỉ đạt hơn 20% là kết quả rất thấp, đại biểu cho rằng mục tiêu giải ngân cho được, cho đúng, cho trúng, cho hiệu quả là một thách thức. Nếu giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả sẽ là bù đắp lớn cho tăng trưởng.

Đại biểu Hoàng Bình Quân cũng bày tỏ lo lắng khi các nhiệm vụ giải pháp để phát triển kinh tế trong thời gian tới lại chưa chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu nhất là xa mạc hóa ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, cũng như xâm ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu cho rằng vấn đề này ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp nước nhà khi mà nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế, do đó, nếu không được quan tâm xử lý sẽ ảnh hưởng đến phát triển.

Về tình hình năm 2020, tán thành với đánh giá của Chính phủ song đại biểu Hoàng Bình Quân cũng cho rằng, hậu Covid-19 sẽ là bức tranh khác về kinh tế - xã hội không chỉ của Việt Nam mà toàn thế giới bởi dịch không làm thay đổi trật tự thế giới nhưng sẽ làm thế giới thay đổi nhiều và nếu không thận trọng thì cuối năm 2020 sẽ là khủng hoảng nghiêm trọng. Đại biểu phân tích, Covid làm thay đổi toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc sẽ lên ngôi, biên giới cứng lên ngôi, vai trò nhà nước ở mỗi quốc gia phải tăng gắn với bảo hộ, hợp tác quốc tế sẽ khác đi nhiều, chuỗi cung ứng sẽ thay đổi. Đại biểu đặt vấn đề trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào.

Theo đại biểu Hoàng Bình Quân, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là hoàn toàn đúng đắn, việc điều chỉnh này quan trọng và cần thiết, bởi điều chỉnh chỉ tiêu thì sẽ mới rõ ràng trong phân bổ nguồn lực cũng như điều tiết, điều hành thực hiện.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nỗ lực thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để bù đắp cho thiếu hụt động lực tăng trưởng, trong đó ưu tiên những dự án giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, hạ tầng, tăng cường công nghệ thông tin.

Chính phủ cũng cần rà soát lại các chính sách về tiền tệ, tín dụng, tài khóa đề kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu để có chương trình cụ thể để thích ứng với tình hình khi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự thay đổi và đón dòng vốn đầu tư. Đại biểu lưu ý khi Việt Nam trở thành tâm điểm của dòng chuyển dịch đầu tư thì hạ tầng, thủ tục hành chính, nhân sự, lực lượng lao động trong nước có đáp ứng, giải quyết vấn đề đa dạng hóa thị trường, độc lập tự chủ về kinh tế là những điểm quan trọng cần lưu ý.

Đồng tình với nhiều nội dung đánh giá của Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn tỉnh Hòa Bình) cho rằng về nhiệm vụ giải pháp, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Đại biểu cho rằng hiện nay đầu tư để nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số thì sự quan tâm của Nhà nước chưa theo kịp. Đại biểu chỉ rõ thực tế hạ tầng phần cứng chủ yếu là do doanh nghiệp làm, còn cơ sở dữ liệu thì các cơ quan, bộ ngành, địa phương đều có cơ sở dữ liệu rất tốn kém nhưng không kết nối dẫn đến vừa thừa vừa thiếu. Vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm làm tốt việc này, nhất là trong việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về định danh cá nhân, định danh tổ chức.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuân (Đoàn tỉnh Thái Bình) đề nghị Chính phủ làm rõ thêm một số nội dung hạn chế về sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong đầu năm 2020 bởi tác động của dịch Covid-19 trong các lĩnh vực này là rất rõ. Chính phủ cũng cần đánh giá sâu hơn thế mạnh, hiệu quả trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành trong nông nghiệp, cũng với đó là các vấn đề sản phẩm có sản lượng chiếm tỉ trọng cao ở các vùng chưa nhiều, việc tăng giá đối với sản phẩm chăn nuôi hay định hướng tái đàn; xử lý môi trường trong nông nghiệp và xử lý rác thải nông thôn càng ngày càng phức tạp; tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực học đường, bảo vệ trẻ em phụ nữ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuân cũng đề nghị có thêm đánh giá về tình hình năm 2020 và nhận diện cơ hội thách thức trong năm và các năm tiếp theo để có lộ trình phòng chống, không thể chủ quan với dịch. Theo đại biểu cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành, gỡ nút thắt trong quản lý đất đai, giải ngân vốn đầu tư công; đánh giá lại việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đi vào thực chất hiệu quả hơn nhất là hộ kinh doanh và có cơ chế đẩy nhanh giải pháp biện pháp cơ cấu ngành sản xuất công nghiệp bù đắp phát triển.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho rằng báo cáo của Chính phủ cần có thêm đánh giá về sự hi sinh ngắn về kinh tế để an toàn sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19. Đại biểu nhấn mạnh điều này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn nhưng cũng là phương châm hành động của Chính phủ. Đây là bài học quan trọng trong ứng phó các tình huống trong tương lai. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở để đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới cũng như đánh giá tác động của các nhóm chính sách này.

Làm rõ thêm một số nội dung về kinh tế xã hội tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong năm 2020 mặc dù dưới tác động lớn của đại dịch nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thì Việt Nam đã thực hiện thành công kiểm soát dịch bệnh, cơ bản khống chế tình hình. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước kịp thời có các chính sách ứng phó, không chủ quan, tổ chức triển khai quyết liệt. Điều này cũng cho thấy thấy sự ưu việt của chế độ và ưu việt của y tế công ở nước ta.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch Covid lần này đã đứt gãy chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến du lịch, giảm nhu cầu, giảm xuất nhập khẩu. Tình hình tháng 4 xấu, tháng 5 có khởi sắc nhưng đến tháng 6 tình hình còn rất khó khăn. Trong bối cảnh đó Chính phủ đã theo dõi hết sức chặt chẽ tình hình, liên tục đưa ra giải pháp, có các gối hỗ trợ hướng đến nhóm đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương và doanh nghiệp trong đó hướng đến người lao động, giãn hoãn các khoản phải nộp phải thu phải đóng của doanh nghiệp, hướng đến miễn giảm các khoản phải nộp để làm giảm áp lực cho doanh nghiệp, mục tiêu vượt qua khó khăn ko làm đứt gãy chuỗi sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ, về dự báo tình hình, khi chưa có vacxin chưa có thuốc đặc trị bệnh thì chưa nói lên điều gì. Do đó Chính phủ đã cân nhắc mọi mặt và quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 4,5% để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 4,5% vẫn là mức rất cao nhưng để đặt mục tiêu thấp thì không còn động lực phấn đấu. Do đó đòi hỏi quyết tâm và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu đề ra.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ xác định các giải pháp chính như tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp; giải ngân nhanh và hết vốn đầu tư công, chú trọng dự án trọng điểm quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tranh thủ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa; đồng thời tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nghiên cứu và xây dựng chiến lược quyết sách về vấn đề này, đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ để có quyết sách thu hút đầu tư có chọn lọc trong đó xác định rõ tiêu chí để thực hiện.

Công tác phòng dịch Covid-19 tại Việt Nam được đánh giá cao

Tổ số 04 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Cần Thơ. Các đại biểu Quốc hội trong Tổ cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, song tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao hơn so với các nước; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm. Các đại biểu,cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh rõ, đầy đủ những kết quả, cũng như những khó khăn, thách thức, các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

 Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 04.

Theo Tờ trình của Chính phủ, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao hơn so với các nước; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế - xã hội. An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã thành công bước đầu trong kiểm soát dịch Covid-19, được nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, những kết quả quan trọng này là rất đáng trân trọng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, động viên và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang), kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã trở thành thách thức lớn của toàn thế giới, bầu không khí lo lắng bao trùm lên toàn xã hội, đến nay cả nước ta mới tạm thở phào nhẹ nhõm. Đại biểu đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ trong thời gian vừa qua và nhấn mạnh thành tựu nổi bật kinh tế- xã hội trong 06 tháng đầu năm của nước ta không phải là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế mà là kết quả của công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong khi kinh tế của toàn thế giới lâm vào suy thoái, thì nước ta vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế sau dịch dù chỉ với những con số khiêm tốn, nhưng đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Chính điều này đã tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước; nâng cao vai trò, khẳng định vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khẳng định công tác chống dịch của nước ta đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) cũng nhấn mạnh, thời gian chống dịch bệnh vừa qua đã thể hiện rất rõ tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng từ Trung ương đến địa phương của nước ta. Nhiều tấm gương điển hình trong dịch bệnh của các y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an, các doanh nghiệp , các nhà hảo tâm, các siêu thị không đồng… và đặc biệt là chủ trương sẵn sàng đón các công dân Việt về nước từ tâm dịch đã khiến cả thể giới phải ngỡ ngàng, ngưỡng mộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc… Đồng thời, làm rõ giải pháp cân đối ngân sách trong thời gian tới khi thu ngân sách giảm và chi ngân sách tăng lên do ảnh hưởng của đại dịch.

Khẳng định vai trò nền tảng, trụ cột của nông nghiệp

Đa số ĐBQH nhất trí với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; cho rằng, năm 2019 việc hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7,02% (số đã báo cáo khoảng 6,8%) là sự nỗ lực, cố gắng từ chỉ đạo đến điều hành, thực hiện của Chính phủ. Bước vào năm 2020, với ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid - 19, sự thành công trong phòng, chống đại dịch được các nước, tổ chức trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự cố gắng, đoàn kết và thống nhất của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Trước những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn tỉnh Bến Tre) cho rằng, việc Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu thể hiện đà tăng trưởng của nước ta vẫn còn khả năng để thực hiện. Theo đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh), Chính phủ cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động để có sự điều chỉnh hợp lý, trong đó, cần đặt mục tiêu phấn đấu đến mức cao nhất có thể.

Các đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn tỉnh Hà Nam), Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn tỉnh Bến Tre)… cho rằng, trong tất cả giai đoạn lịch sử kinh tế - xã hội khó khăn thì nền nông nghiệp luôn thể hiện vai trò nền tảng và trụ cột, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu Phùng Đức Tiến nêu rõ, với 2 chỉ tiêu quan trọng của nền nông nghiệp thì trong năm nay đều có khả năng để hoàn thành mục tiêu, đó là lương thực và thực phẩm. Cụ thể, về lương thực, mục tiêu là 43,5 triệu tấn lúa để bảo đảm dành 13,5 triệu tấn lúa cho tiêu dùng; 7,5 triệu tấn cho chế biến; 3,8 triệu tấn dự trữ, 1 triệu giống và cố gắng xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13,5 triệu tấn lúa). Hiện nay, hết tháng 6, cả nước đã được 20,2 triệu tấn, đạt 46% kế hoạch. Về thực phẩm, ngành nông nghiệp cố gắng đạt 14,3 triệu tấn, trong đó 8,5 triệu tấn thủy sản cả khai thác và nuôi trồng, thịt 5,8 triệu tấn, sữa 1,2 triệu tấn… Đặc biệt, trong các kịch bản Chính phủ trình Quốc hội thì ngành nông nghiệp luôn đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5 - 2,7%.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ĐBQH đề nghị, trong thời gian tới cần có sự quan tâm và đầu tư để ngành nông nghiệp phát triển ở một tầm cao mới, đặc biệt chú trọng yếu tố về giá trị gia tăng.

Tránh trùng lắp dẫn đến đầu tư dàn trải, không hiệu quả

Cũng trong chiều nay, thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đa số ĐBQH cho rằng, việc Quốc hội ban hành Chương trình này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp vô cùng nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, các ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn tỉnh Bến Tre), Hoàng Quang Hàm (Đoàn tỉnh Phú Thọ) cho rằng, nhìn vào các mục tiêu chung của Chương trình thì còn sự trùng lắp với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Lưu ý vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cần chủ động phối hợp để tránh sự trùng lắp dẫn đến đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Cho rằng Chương trình không thể thực hiện nếu không có tiền, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn tỉnh Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về việc huy động nguồn lực đầu tư, bởi đây không phải hỗ trợ như giảm nghèo mà đầu tư cho phát triển với nhiều mặt lĩnh vực, đặc biệt đây là khu vực khó khăn nhất. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cần phải có chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư đến khu vực này chứ không thể áp dụng “cào bằng” như các khu vực khác. Thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư từ thiện nhưng vấn đề hiện tại là vướng nhiều chính sách nên không thể thực hiện. Nhìn xa hơn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, "không thể cứ mang tiền, mang người từ xuôi lên rồi tiêu hết tiền, người cũng về". Vấn đề đặt ra là cần phát triển học vấn cho bà con dân tộc, nếu không đào tạo, "trường không ra trường, lớp không ra lớp" thì rất khó khăn. Đây mới là cái gốc nếu không nghèo vẫn hoàn nghèo và các hủ tục thì vẫn tồn tại mãi.

Không ảnh hưởng nhiều đến nộp thuế và ngân sách

Về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đa số ĐBQH nhất trí với việc tăng vốn điều lệ cho Agribank, bởi với công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19, việc này sẽ góp phần cho Agribank tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn tỉnh Phú Thọ) cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Bởi Thủ tướng Chính phủ không thể quyết định ngay việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách nhà nước vì không phù hợp với quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) nhận định, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 và mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng không ảnh hưởng nhiều đến nộp thuế và ngân sách của ngân hàng thương mại và sẽ tạo ra động lực để tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu nguồn thu chưa bền vững

Về quyết toán NSNN năm 2018, Chính phủ dự toán thu NSNN 1.319.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.431.662.057 triệu đồng, tăng 8,5% (112.462.057 triệu đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Cụ thể là tăng thu tiền sử dụng đất là 61.914.517 triệu đồng và thu dầu thô tăng 84% (30.148.458 triệu đồng) so với dự toán.

Về dự toán chi NSNN 1.523.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.435.435.263 triệu đồng, bằng 94,2% (giảm 87.764.737 triệu đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán, hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. Quyết toán chi ngân sách Trung ương là 572.609.766 triệu đồng, thấp hơn 4,8% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là 862.825.497 triệu đồng, thấp hơn 6,4% với dự toán.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc thu NSNN vượt dự toán 8,5%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các khoản thu về nhà, đất, tài nguyên, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN, cho thấy cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực.

Về chi NSNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội. Song vẫn còn tồn tại, hạn chế là công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để. Giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm. Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017 theo Khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 của Quốc hội. Đồng thời không để tình trạng thiếu báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội xảy ra ở các năm sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần