Cử tri quận Hai Bà Trưng mong sớm cải tạo chung cư cũ

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/9, đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XIV TP Hà Nội gồm các ông Trần Việt Khoa, Hoàng Văn Cường, Nguyễn Quang Tuấn đã có buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 4 với các cử tri quận Hai Bà Trưng.

Tăng cường giám sát toàn diện các trạm thu phí BOT

Tại buổi tiếp xúc, có 4 ý kiến cử tri đại diện cho cử tri 20 phường của quận phản ánh bức xúc của người dân xung quanh các vấn đề đấu thầu và sử dụng thuốc, vận hành các trạm thu phí BOT, việc thực hiện quy hoạch, giám sát hoạt động của các ban quản trị nhà chung cư, chế độ cho các hội đoàn thể-MTTQ, xây dựng cải tạo chung cư cũ xuống cấp… Trong đó đáng chú ý, nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát toàn diện các trạm thu phí BOT trên toàn quốc; quan tâm việc thực hiện quy hoạch, trong đó có xây dựng lại ga Hà Nội để tránh phá vỡ quy hoạch của TP.
Cử tri quận Hai Bà Trưng mong sớm cải tạo chung cư cũ - Ảnh 1
Cử tri phường Quỳnh Mai phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Đặc biệt, nêu thực trạng Ban quản trị chung cư 250 Minh Khai tăng mức thu phí dịch vụ, cử tri Lê Trung Chánh (phường Minh Khai) cho rằng, việc sử dụng 2% chi phí quản lý tòa chung cư này hiện không rõ ràng. Theo các cử tri phường, chung cư này gần đây thu phí dịch vụ tăng 50%, hạn trong 1 tuần phải đóng góp, nếu không thì bị cắt điện, nước, nên gây nhiều bức xúc, đơn thư kiến nghị đã được gửi đi nhiều nơi. Vì vậy, cử tri phường Minh Khai và nhiều phường khác rất mong nhà nước sớm kiểm tra, rà soát việc quản lý, vận hành các nhà chung cư mới, nhất là cần tiêu chuẩn hóa, đảm bảo những thành viên ban quản trị có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 

Cùng với kiến nghị đoàn ĐB Quốc hội có ý kiến để Nhà nước, TP quan tâm cải tạo 42 dãy nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn, cử tri Hoàng Xuân Miễn  - Chủ tịch MTTQ phường Quỳnh Mai cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu để tổ chức MTTQ từ T.Ư đến cơ sở có cơ chế để hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, hiện các trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư đang đảm trách nhiều việc mà không có phụ cấp. 

Đồng thời, cử tri phường Bạch Mai cũng như nhiều phường khác phản ánh, chế độ đảm bảo cho các hội đoàn thể hoạt động rất eo hẹp, trong đó các chi hội người cao tuổi thường có 200 - 300 hội viên, chi hội trưởng, chi hội phó khá vất vả mà không có tiền phụ cấp, nên mong các ĐB Quốc hội sớm có ý kiến với Chính phủ quan tâm giải quyết. 

Các cấp, ngành và người dân cần chung tay 

Trước ý kiến của cử tri các phường, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết: Liên quan đến cơ chế chính sách quản lý vận hành nhà chung cư, quận là 1 trong 4 quận trung tâm cũ của Thủ đô, việc tồn tại phát triển các chung cư cao tầng là tất yếu trong phát triển đô thị, với nhiều khu chung cư qua rất nhiều năm xây dựng đã xuống cấp đáng báo động, như tại phường Quỳnh Mai, Bách Khoa… Trong khi, quỹ đất trống, đất nông nghiệp tại quận rất hạn chế; quỹ đất do các cơ quan, xí nghiệp theo chủ trương của TP đã được di dời, được chuyển đổi mục đích, trong đó có chuyển sang xây dựng không ít chung cư cao tầng tập trung. Khó khăn là dù đã có hành lang pháp lý, song việc vận hành quản lý những chung cư này thực tiễn còn nhiều bất cập, trong đó tại nhiều chung cư như 250 Minh Khai, 310 Minh Khai, 27 Lạc Trung…, sau khi thành lập các ban quản trị lại xảy ra bức xúc giữa ban quản trị-chủ đầu tư và giữa ban quản trị, chủ đầu tư với cư dân tại đó, về giá thu dịch vụ, các công trình hạ tầng kỹ thuật chung…
Cại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng.
“Lãnh đạo quận đã bám sát các sở, ngành, chỉ đạo các phường tăng nắm bắt địa bàn, cùng chủ đầu tư từng bước tháo gỡ, song vẫn còn nhiều vấn đề cần các cấp T.Ư và TP quan tâm. Trong đó, về ý kiến của cử tri nêu về giá dịch vụ tại 250 Minh Khai, chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND phường nắm bắt, tránh khiếu kiện đông người vượt cấp. UBND TP năm 2017 cũng đã có quyết định công bố giá dịch vụ nhà chung cư, trong đó chung cư có sử dụng thang máy có giá từ 1.500 - 16.500 đồng/m2/tháng. Qua các ý kiến bức xúc của cử tri, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo UBND phường Minh Khai kiểm tra xem Ban quản trị ở đây đã thực hiện đúng quy định chưa, nếu có vi phạm, sẽ xử lý theo quy định”, ông Trung nói.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, xây dựng cải tạo các chung cư cũ xuống cấp hiện cũng là vấn đề rất nan giải tại quận, mỗi khi xảy ra thiên tai bão lũ, thực sự lãnh đạo quận cũng rất đau xót. TP đã có những quy định, chỉ định nhà đầu tư vào nghiên cứu, từ đó quận đã chỉ đạo các phòng, ban và các phường và giao chủ đầu tư có những khảo sát bước đầu đối với các khu chung cư cũ ở phường Bách Khoa, Quỳnh Mai, Thanh Nhàn… UBND TP cũng đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành sớm tham mưu cho TP sớm có cơ chế, kế hoạch khung để đầu tư cải tạo các khu chung cư cũ xuống cấp tại TP để xây dựng hàng năm, và UBND quận đã kịp thời có báo cáo để TP xem xét trên địa bàn quận…

“Trước các ý kiến của cử tri quận Hai Bà Trưng, đề nghị ĐB Quốc hội quan tâm, từng bước tháo gỡ khó khăn, nhất là với những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh hàng ngày”, ông Trung nhấn mạnh.

Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Việt Khoa đại diện Tổ ĐB số 2 đã hoan nghênh các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của cử tri quận Hai Bà Trưng và khẳng định: “Riêng với vấn đề quản lý các dự án nhà chung cư, thực sự chế tài cho các ban quản trị nhà là chưa có, nên vẫn đang rất khó giải quyết những phức tạp, bức xúc nảy sinh. Chúng tôi ghi nhận để trao đổi với các cơ quan chức năng, sao cho sớm có chế tài, đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Về vấn đề giám sát các dự án BOT, theo ông Khoa, để giải quyết ngọn ngành, tránh thất thoát, tới đây Quốc hội sẽ đi sâu họp bàn để sớm giải quyết. Liên quan đến xây dựng các nhà cao tầng, gây bức xúc của người dân, ảnh hưởng đến giao thông, không chỉ cần sự chung tay của các cấp, các ngành mà còn cần sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Đặc biệt, về các kiến nghị xung quanh chính sách cho người cao tuổi, người có công, người tham gia công tác đoàn thể, MTTQ…, ông Khoa cho biết: Những năm qua, các cấp, ngành dù rất quan tâm nhưng cũng cần căn cứ vào ngân sách. Thực sự, ngân sách dành cho các đối tượng này đã chi rất lớn, nên để bảo đảm lương và các chế độ cho họ, cần được làm từng bước, chặt chẽ, nhất là phải đặc biệt quan tâm người có công, người không có chế độ lương hưu.