Đại biểu Quốc hội: Tìm được một học sinh yếu kém khó như “mò kim đáy biển”

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội chiều 30/4, ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) nêu vấn đề: Giáo dục bây giờ, tìm được một học sinh yếu kém khó như “mò kim đáy biển.

Mối quan hệ thầy trò ngày càng lỏng lẻo
Nhắc đến những vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục, ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) chỉ ra mối quan hệ thầy trò ngày càng lỏng lẻo, đạo đức xã hội suy giảm. Những sự việc xảy ra trên khắp cả nước hiện nay chỉ là những hạt sạn trong mối quan hệ cao quý giữa bao đời nay giữa thầy và trò nhưng nó là hồi chuông cảnh báo.
 ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau).
ĐB dẫn chứng: “Nếu như trước kia thầy cô có thể phạt học sinh quỳ gối, úp mặt vào tường khi vi phạm nội quy, những hình phạt đó giúp cho học trò ngoan hơn, nên người hơn thì ngày nay, làm thầy, làm cô mà không dám cư xử với học trò của mình theo đúng nghĩa thương cho roi cho vọt. Giáo dục bây giờ, tìm được một học sinh yếu kém khó như “mò kim đáy biển”.
Về bê bối của kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông cho rằng nó đã cho thấy gian lận thi cử không phải những trường hợp nhỏ lẻ mà có quy mô tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức quyền và tiền trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện.
“Hành động gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật, thi thật. Gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục của nước nhà”, đại biểu đến từ Cà Mau khẳng định.
ĐB Thái Trường Giang mong muốn Bộ GD&ĐT và Chính phủ cần nhìn thẳng vào vấn đề, có những biện pháp cứng rắn hơn nữa để cứu vãn ngành giáo dục một cách kịp thời.
Gần 10% lao động có trình độ đại học thất nghiệp
ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) khẳng định lao động việc làm là một trong những yếu tố quyết định đối với thành công của việc cơ cấu lại kinh tế, phát triển văn hóa xã hội. Tuy vậy, so với các khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn, chất lượng đào tạo cũng không bằng, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng và thực tiễn xã hội.
 ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long).
Về cơ cấu, trình độ lao động trong các ngành là 1 đại học, 1 cao đẳng, 1 công nhân kỹ thuật. Bà Thanh cho rằng cơ cấu này đang mất cân đối, đặc biệt khi so sánh với những nước phát triển. Bà cũng đưa ra con số đáng báo động khi lao động trình độ đại học thất nghiệp chiếm tỷ lệ 9,58%, khoảng trên 120.000 người.
ĐB đoàn Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo, lao động và việc làm. Ngoài ra, cần thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động, dẫn đến phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội.
ĐB Thanh còn chỉ ra thực trạng giáo dục đồng bằng sông Cửu Long đã tụt hậu 5 năm so với mặt bằng chung cả nước và ít nhất 10 năm so với vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Nam Bộ. Đây là vùng trũng của giáo dục. "Cần có cơ chế đặc thù phù hợp, tạo điều kiện cho giáo dục tại khu vực này tiến bộ, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học", bà nói.
Chiều nay (30/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Dự kiến chiều nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời thêm về vấn đề giá điện và kiểm soát CPI, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói thêm về phương án sáp nhập sở, ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong phiên thảo luận sáng 30/5, có 27 ĐB phát biểu tham luận, 1 ĐB phát biểu tranh luận, còn 68 ĐB đã đăng ký nhưng chưa pháp biểu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần