Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Phải gắn trách nhiệm trong quản lý nợ công

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), ĐB Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Điều quan trọng là phải làm sao gắn với trách nhiệm trong việc quản lý các khoản nợ này cũng như người vay nợ”.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, trong kỳ họp này khi chúng ta hoàn thiện được nhiều văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế, các ĐB Quốc hội cũng đọc nhiều tài liệu liên quan đến chữ nợ, từ nợ công, nợ xấu, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, nợ nước ngoài. Luật Quản lý nợ công được ban hành năm 2009 có giá trị thi hành và năm 2010, với số lượng nợ công cuối năm 2010 chúng ta chỉ vào khoảng 1.150.000 tỷ đồng tương đương 51% GDP lúc bấy giờ, đến cuối năm 2016 nợ công đã xấp xỉ 2.900.000 tỷ đồng, tương đương 63,7% GDP. Đồng thời cho rằng, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) lần này đưa vào những điều khoản rất chi tiết để phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, kể cả Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và các luật khác. Trong đó quy định khoản nợ công bao gồm những khoản nào một cách chặt chẽ.
Cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân, hiện nay còn điểm cần tranh luận là đầu mối quản lý thống nhất nợ công có nên để như trước đây hay không? vừa để trực thuộc Bộ Tài chính, vừa là Bộ KH&ĐT, vừa là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vấn đề này cần được thảo luận, bàn bạc tìm ra một cơ quan quản lý thống nhất. Hay là vấn đề nợ Chính phủ vay và cho vay lại thì quản lý thế nào, để đảm bảo hạn chế các rủi ro. Vừa qua cho thấy rằng, các khoản nợ mà Chính phủ vay rồi về cho vay lại các dự án, có một số dự án không phát huy được hiệu quả, đắp chiếu rồi phải giải thể, phá sản, nợ đó đã chuyển thành nợ công, và nợ xấu của nợ công cũng được quan tâm trong Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). “Điều quan trọng hơn nữa là phải làm sao gắn với trách nhiệm trong việc quản lý các khoản nợ này cũng như người vay nợ, làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Cho nên Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) phải gắn chặt với Luật Đầu tư công cũng đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015” - ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.