Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Việc triển khai công tác cải cách tư pháp còn chậm

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, ngày 29/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch Nước, Chính phủ. Một trong những vấn đề được các đại biểu đóng góp ý kiến chính là công tác xây dựng luật pháp của Chính phủ.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An) cho biết, Quốc hội Khóa XIV thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết, trong đó hầu hết các dự án luật, các dự thảo là do Chính phủ trình. Qua đây cho thấy, Chính phủ đã rất sâu sát, kịp thời nắm bắt nhu cầu pháp lý của xã hội, của quản lý nhà nước.
  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29/3.. Ảnh: Quốc hội
Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, trong thời gian tới, khi xây dựng các dự án luật, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn, cầu thị hơn, tiếp thu nhiều hơn các ý kiến đóng góp, đặc biệt là các ý kiến trong Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.
Thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận dự án luật trình Quốc hội lần đầu đều đã được Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cũng như góp ý của các ngành, địa phương nêu ra. Đại biểu tỉnh Long An khẳng định, nếu ngay từ đầu, dự thảo luật được tiếp thu sâu sắc hơn, cầu thị hơn thì Quốc hội sẽ không mất thêm thời gian cho những dự án chưa chín muồi, chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa bảo đảm phù hợp, khả thi.
 Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An) phát biểu
Tham gia thảo luận, tán thành với Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Chủ tịch nước, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn tỉnh Bến Tre) cho rằng Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp; góp phần quan trọng đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng tán thành với nhận định của Chủ tịch nước là việc triển khai công tác cải cách tư pháp còn chậm và đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục nghiên cứu và chỉ đạo và thực hiện một cách khẩn trương, có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp và công tác tư pháp.
Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, Chính phủ đã có những thành công quan trọng như: Thực hiện thành công các nhiệm vụ theo quy định; Chính phủ đã giải quyết hiệu quả được những vấn đề đặt ra từ nhiệm kỳ trước; kịp thời ứng phó với những tình huống bất ngờ về thiên tai dịch bệnh; Chính phủ nhiệm kỳ này đã đặt được nền móng vững chắc cho nhiệm kỳ tiếp theo;…. Tuy nhiên, theo đại biểu trong nhiệm kỳ này, công tác của Chính phủ vẫn còn 1 số vấn đề hạn chế như: vấn đề khiếu nạn tố cáo còn nhiều; giải quyết kiến nghị cử tri hạn chế; một dự án luật trình Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng; việc triển khai thi hành pháp luật có lúc có nơi còn chậm;…
Đại biểu Quốc hội: Việc triển khai công tác cải cách tư pháp còn chậm - Ảnh 3
Để khắc phục một số vấn đề còn tồn tại, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần: tiếp tục duy trì kỷ cương; tăng cường thanh tra kiểm tra ngay từ khi triển khai; đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng cắt giảm thủ tục gây phiền hà cho người dân; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo một cách triệt để; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường bảo vệ môi trường; cần đặc biệt quan tâm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, tận dụng tiềm năng, khoa học kỹ thuật phát triển nền nông nghiệp hiện đại bền vững…

Về giải pháp cụ thể, đại biểu đề nghị: Chính phủ cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Nâng cao chất lượng đề xuất xây dựng luật, Chính phủ cần triển khai thực hiện tốt quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vai trò, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo luật, có sự phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thẩm tra trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật; Nghiên cứu xây dựng cơ chế hữu hiệu để đối phó với tình huống khẩn cấp, bất ngờ; …
Ở khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, thẩm định dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, duy trì mạnh mẽ kỷ cương nghiên cứu xây dựng và thực thi pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật ngay từ khi bắt đầu triển khai để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những lệch lạc, sai phạm. Thủ tướng cần cân nhắc việc đề xuất chính sách, dự án luật của các bộ, ngành; cần chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tâm huyết, có trình độ; các nhà khoa học để nghiên cứu khách quan, toàn diện nội dung và sự tác động của các chính sách đó. Tránh tình trạng trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không thuyết phục, thậm chí gây bất ổn cho xã hội hoặc ẩn chứa đằng sau những điều kiện để tham nhũng, trục lợi chính sách...