Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai: “Chưa ở đâu có cách phân bổ ngân sách như ở ta”

Bài, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là ý kiến của ĐB Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) tại tổ thảo luận Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2019, chiều 23/10.

Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, ngày 10/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 26 về đầu tư trung hạn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta thay đổi cách quản lý phân bổ ngân sách từ việc phân bổ từng năm thay vì phân bổ dài hạn, thay vì trao quyền theo cách “ăn đong” thì nay đã có định hướng dài hạn, và chúng ta nhìn thấy ở đó những định hướng phù hợp.
 ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tổ, chiều 23/10. Ảnh: Hồ Hạ.
Trong 3 năm qua, chúng tôi tán thành rất nhiều nhận định trong báo cáo của Chính phủ về đầu tư công trung hạn đạt được những kết quả tích cực. Bức tranh về đầu tư có rất nhiều đổi mới, kỷ luật, kỷ cương trong phân bổ, sử dụng ngân sách đã được thắt chặt. Rất nhiều công trình hiệu quả đưa vào sử dụng góp phần thay đổi bộ mặt đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, nữ ĐB Quốc hội cho rằng, 3 năm là 1 chặng đường ko dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc, thách thức đang đặt ra.
“Tôi băn khoăn về tính tập trung của phân bổ nguồn lực. Chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và nhận thấy, chưa ở đâu có cách phân bổ ngân sách như ở ta”, ĐB Lưu Mai bày tỏ và mình chứng: “64 tỉnh, TP, mỗi tỉnh, TP có 1 dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ. Chúng tôi thấy trong cách phân bổ, chúng ta hướng theo cách công bằng, nhưng công bằng không có nghĩa là cào bằng, dàn trải và chia đều”. T
Theo ĐB Quốc hội Đoàn Hà Nội, trong Nghị quyết 26 nêu định hướng rất đúng là tập trung, tránh dàn trải, khắc phục những hiện tượng dở dang của các công trình. Tuy nhiên, khi thực hiện, cách phân bổ chưa đạt được mục tiêu đó. Công bằng là cần thiết, nhưng trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, chúng ta cần ưu tiên hợp lý, có như vậy mới khắc phục được tình trạng dàn trải kéo dài trong nhiều năm qua.
Về vấn đề hiệu quả nguồn lực ngân sách, ĐB Lưu Mai đặt vấn đề: “Về cơ bản, vốn cho đầu tư phát triển là vốn đi vay, khi phân bổ, dường như chúng ta chú trọng hơn ở cách chia tiền. Suốt nhiều năm qua, chúng ta chưa có được bức tranh tổng thể, rằng với nguồn tiền ấy, chúng ta có được bao nhiêu dự án và trong số những dự án được hoàn thành ấy có bao nhiêu dự án hiệu quả, bao nhiêu dự án chưa hiệu quả”.
Nguyên nhân được nữ ĐB Quốc hội “mổ xẻ” là do trong hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có bộ tiêu chí đầy đủ để đánh giá tính hiệu quả các công trình, dự án, nên khi phân bổ, chưa bao giờ Chính phủ cam kết rằng, với nguồn lực ấy, chúng tôi sẽ đem lại điều gì, kết quả như thế nào cả về kinh tế - xã hội. “Theo quy định của Luật Đầu tư công, từ năm 2019, chúng ta sẽ bắt đầu những bước đầu tiên của quá trình phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025. Nếu Chính phủ không đưa ra được cam kết đem lại hiệu quả thì đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc khi phân bổ nguồn lực”, ĐB Lưu Mai nhấn mạnh.
Trăn trở về chất lượng các công trình, dự án ĐB Lưu Mai cho rằng, đây là vấn đề rất nổi cộm. Gần đây nhất, báo chí đưa tin rất nhiều về tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Nguyên nhân được giải thích là do thời tiết, mưa nhiều… gây bức xúc trong dư luận. “Đây chỉ là một ví dụ mà chúng ta nhìn thấy, còn bao nhiêu công trình, dự án khác chúng ta ko nhìn thấy thì chất lượng có đảm bảo hay không”, ĐB Đặt câu hỏi.
Đăc biệt, ĐB Lưu Mai cho biết, liên quan đến những công trình thủy lợi nạo, vét lòng sông,… có những ý kiến của người dân cho rằng, chúng ta đổ tiền xuống sông, xuống biển. Do đó, nữ ĐB Quốc hội đề xuất: “Khi chúng ta đầu tư nguồn  lực thì cần kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng. Đối với những dự án có biểu hiện thất thoát, lãng phí cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh để lấy được lòng tin trong Nhân dân”.
Liên quan đến các công trình quan trọng quốc gia, ĐB Lưu Mai chia sẻ: Trong Nghị quyết 26 đã rất chú trọng đến vấn đề này. Theo đó, Quốc hội đã phân bổ 80.000 tỷ cho các công trình quan trọng quốc gia. Trong đó, có những công trình rất lớn như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam… Tuy nhiên, đến nay hầu hết các công trình này đều chậm tiến độ. Khi đó, kéo theo những hệ lụy.
ĐB dẫn chứng: “Việc giải phóng mặt bằng đối với sân bay quốc tế Long Thành, người dân rất bức xúc vì đất của họ bị thu hồi nhưng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng hiện vẫn chưa hoàn tất. Trong khi, Nghị quyết của Quốc hội đã phân bổ 5.000 tỷ đồng cho dân giải phóng mặt bằng sân bay quốc tế Long Thành cách đây hơn 1 năm. Do đó, tới đây, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án. Điều này không chỉ đảm bảo hiệu quả nguồn lực mà còn góp phần đảm bảo đời sống người dân”.
Một mục tiêu nữa ĐB Lưu Mai mong muốn Chính phủ chú trọng là huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. “Một trong những định hướng quan trọng trong Nghị quyết 26 là huy động tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác trong bối cảnh ngân sách có hạn. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện mục tiêu này. Rất nhiều dự án chúng ta đặt ra là làm PPP, BOT, cuối cùng không đạt được. Ví dụ, toàn bộ tuyến đường ven biển lần này Quốc hội cho ý kiến thay đổi từ hình thức đầu tư BOT bằng hình thức ngân sách nhà nước đầu tư còn nhiều ý kiến khác nhau. Nếu không thể đầu tư bằng nguồn tiền ngoài ngân sách, chúng ta lại phải chuyển sang đầu tư bằng ngân sách  nhà nước. Điều đó làm tăng áp lực ngân sách nhà nước, và không phù hợp với định hướng ban đầu. Do vậy, chúng tôi mong muốn khi đã đặt ra thì phải cố gắng hoàn thành những chỉ tiêu mang tính pháp lệnh”, ĐB Lưu Mai nói.
Về dự phòng ngân sách, ĐB Lưu Mai đề cập đến việc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ quyết định sử dụng 200.000 tỷ nguồn dự phòng ngân sách. Đây là nguồn lực rất lớn, trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn. “Chắc chắn, sẽ có nhiều ý kiến, và 64 tỉnh, TP, mỗi địa phương sẽ có nhiều đề xuất khác nhau, nhưng chúng tôi mong muốn việc phân bổ và sử dụng nguồn tiền này phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và Nghị quyết 26 là có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên chon khu vực còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa”.