Dai dẳng cuộc chiến chống cho vay nặng lãi

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động cho vay nặng lãi ngày càng biến tướng, phức tạp, gây mất an ninh trật tự trên phạm vi cả nước.

 Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp, tổ chức nhiều chuyên án đấu tranh, xử lý, song lợi dụng công nghệ cao và bằng nhiều hình thức, các đối tượng vẫn len lỏi vào đời sống người dân để hoạt động phi pháp.
Cho vay lãi suất “cắt cổ”

Mới đây, rạng sáng 8/1/2021, Công an tỉnh Quảng Bình đã đấu tranh, phá chuyên án tín dụng đen hoạt động gây nhức nhối trên địa bàn; đồng thời, triệu tập 13 đối tượng để làm rõ hành vi cho vay với lãi suất từ 250% đến 365%/năm. Đây là chuyên án được Công an tỉnh Quảng Bình xác lập để đấu tranh với nhóm đối tượng ngoại tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đến địa bàn Quảng Bình thực hiện việc cho vay lãi nặng. Bước đầu, các đối tượng khai nhận từ năm 2019 đến nay đã cho khoảng 200 người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vay với số tiền trên 1 tỷ đồng, lãi suất “cắt cổ” từ 250% đến 365%/năm.
 Hoạt động cho vay nặng lãi ngày càng biến tướng phức tạp. Ảnh: Công Hùng
Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng. Trước đó, Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã đấu tranh thành công 3 chuyên án liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn, gần 100 đối tượng trong và ngoại tỉnh đã được triệu tập để đấu tranh, khởi tố 18 đối tượng về tội “Cho vay lãi nặng”.

Tại Hà Nội, những tháng cuối năm 2020, cơ quan công an đã triệt phá nhiều “ổ nhóm” cho vay nặng lãi. Cuối tháng 12/2020, thông tin từ Công an quận Hà Đông, đơn vị đang tạm giữ hình sự nhóm 3 đối tượng: Nguyễn Tuấn Hiệp (SN 1991, trú ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), Đoàn Việt Anh (SN 2000, trú ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông), Nguyễn Hoàng Hải (SN 2000, trú ở thị xã Sơn Tây), để làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong quan hệ dân sự. Với vỏ bọc là cơ sở Spa (76 Lê Lai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông), nhóm đối tượng đã góp vốn rồi cho vay nặng lãi. “Ổ nhóm” này quy định người vay tiền mỗi “bát họ” từ 10 - 30 triệu đồng, khi nhận tiền sẽ bị cắt luôn mỗi “bát họ” từ 2 - 6 triệu. Đã có khoảng 500 người là con nợ của các đối tượng với số tiền giao dịch lên đến 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm này còn cho vay lãi ngày với lãi suất “cắt cổ”, người vay phải trả lãi suất 7.000 - 8.000 đồng/1 triệu đồng/ ngày, tương ứng từ 255,5% đến 292%/năm.
Cuối tháng 11/2020, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội cũng đã triệt phá nhóm cho vay nặng lãi, tạm giữ 7 đối tượng cho vay, hỗ trợ tài chính dưới hình thức “bốc bát họ” với lãi suất “cắt cổ”. Ổ nhóm cho vay lãi nặng do đối tượng Nguyễn Trung Hiếu (tức Hiếu “Chùa Vua”) cầm đầu. Theo cơ quan công an, từ tháng 1/2019, Hiếu bắt đầu hoạt động cho vay, hỗ trợ tài chính dưới hình thức “bốc bát họ” với lãi suất 121,6%/năm. Khách hàng vay dao động từ 5 - 500 triệu đồng. Nếu người vay chậm trả hoặc không có khả năng trả, các “đàn em” của Hiếu sẽ thay nhau đến nhà để đòi tiền. Cơ quan điều tra xác định, tổng số khách vay vào thời điểm bắt giữ nhóm đối tượng lên đến 200 người.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Các chuyên gia pháp luật cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cho vay mượn tiền là một dạng hợp đồng vay tài sản, theo đó lãi suất do hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20% số tiền vay. Cụ thể, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Trường hợp hai bên thỏa thuận mức lãi suất quá mức Nhà nước quy định thì phần vượt quá không có hiệu lực pháp luật, không bắt buộc các bên phải thực hiện. Nếu mức lãi suất vượt quá 5 lần mức Nhà nước quy định và hưởng lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, người cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, trường hợp các đối tượng cho vay với lãi suất từ 100% trở lên đối với số tiền vay và thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, các đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Toàn bộ số tiền làm công cụ gây án và thu lợi bất chính đều bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, trong thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, việc các địa phương ra quân, lập chuyên án triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi rất cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự trong đời sống xã hội cũng như cho vay trên không gian mạng đều có mối nguy hại như nhau, kéo theo đó là hoạt động đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích. Bởi vậy, theo Luật Đầu tư 2020, hoạt động đòi nợ thuê, hay còn gọi là dịch vụ thu hồi nợ bị cấm kể từ ngày 1/1/2021 để giảm thiểu tình trạng các đối tượng móc nối với các đối tượng cho vay nặng lãi để đòi nợ thuê, gây mất an ninh trật tự. 
“Tín dụng đen trong đời sống cũng như trên không gian mạng đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với nhiều gia đình, phá tan hạnh phúc của nhiều gia đình, đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng. Các chiêu trò đòi nợ từ việc đe dọa, đánh đập đến việc khủng bố tinh thần, làm xáo trộn đời sống không chỉ riêng người vay mà bạn bè, người thân gia đình họ cũng bị hứng chịu khiến dư luận rất bức xúc.
Bởi vậy, việc đấu tranh với các đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và đòi nợ theo kiểu xã hội đen rất cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

"Theo quy luật có cung sẽ ắt có cầu, nếu chỉ triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi sẽ không xử lý triệt để được vấn đề, đặc biệt hiện nay, các đối tượng đã sử dụng công nghệ thông tin cho vay thông qua các app, mạng internet khiến việc phát hiện xử lý gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, giải pháp về lâu dài là phải đảm bảo được đời sống, thu nhập của người lao động, hạn chế tình trạng mất việc làm và nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn. Đồng thời, cần phải đa dạng hóa các hoạt động tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn của người dân hiện nay." - Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần