Đại diện Bộ Nông nghiệp buồn khi có người nói ngành chăn nuôi bị “vỡ trận”

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/11, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương đã chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp bị “vỡ trận” trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, tính đến hết ngày 25/11, cả nước đã có 8.533 xã ở 166 huyện, thị xã thuộc 63 tỉnh, TP có dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn bị tiêu huỷ hiện đã lên tới 5,9 triệu con, với khoảng 338.000 tấn.
Dù vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, đã có 4.823 xã có dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh mới (chiếm 56% tổng số xã có dịch). Số lượng lợn bị tiêu huỷ do dịch tả lợn châu Phi từ tháng 6/2019 đến nay liên tục giảm, dự kiến trong tháng 11/2019 sẽ giảm đến 60% so với thời điểm tháng 5/2019 (cao điểm thiệt hại của dịch). Theo đại diện Cục Chăn nuôi, điều này cho thấy, việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đã có nhiều kết quả tích cực.
 Chăn nuôi lợn đang đối diện nhiều khó khăn 
Khi được hỏi, liệu ngành chăn nuôi có “vỡ trận” không khi số lợn bị tiêu huỷ quá lớn và lan ra tới 63/63 tỉnh, TP, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, nhận định trên là không có cơ sở. “Ngành nông nghiệp không bị “vỡ trận”. Đó là quan điểm không đúng” – ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Theo ông Dương, trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Trung Quốc có khoảng 600 triệu con lợn, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 60 triệu con. Dịch tả lợn đã khiến khoảng 50% tổng đàn lợn của Trung Quốc bị thiệt hại; 1 năm nay người tiêu dùng Trung Quốc cũng phải dùng lợn giá cao. Các quốc gia khác lân cận Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, đối với công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam đã giảm thiểu tối đa thiệt hại, trong bối cảnh các nước có ngành chăn nuôi phát triển cũng không tránh được. “Bộ đã làm mọi cách có thể để quyết tâm chống dịch, do đó, chúng tôi rất buồn khi có ý kiến nói rằng ngành chăn nuôi bị “vỡ trận”…” – ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần