Đại đức Thích Giác Nghĩa chia sẻ 7 nguyên tắc “vàng” khi đi lễ chùa đầu năm

Hà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mỗi dịp năm mới, người dân Việt Nam thường đi lễ chùa để cầu xin sức khỏe, hạnh phúc, bình an, may mắn cho bản thân, gia đình. Dưới đây là 7 nguyên tắc “vàng” về cách hành lễ, những điều nên và không nên khi đi lễ chùa đầu năm Đại đức Thích Giác Nghĩa của Chùa Tản Viên (Ba Vì, Hà Nội) dành cho phật tử, người dân.

1. Không nên chỉ cầu xin cho chính mình và người thân

Người đi lễ chùa thường cầu xin sức khỏe, tiền tài, sự nghiệp cho bản thân, gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Giác Nghĩa, những lời cầu xin như vậy thường không ứng nghiệm. Thay vào đo, bạn nên cầu xin điều tốt lành đến cho tất cả mọi người. Theo Đại đức, người không ích kỉ, biết chăm lo, giúp đỡ những người khác mới tích được công đức vô lượng, nhờ đó mà bản thân cùng gia đình, bạn bè tất gặp phúc lành, cuộc sống suôn sẻ, hạnh phúc.

 Đại đức Thích Giác Nghĩa khuyên rằng, lời khấn không cần có một mẫu thức nhất định, nhưng sự thành tâm là bắt buộc phải có.

2. Lời khấn không cần có một mẫu thức nhất định, nhưng sự thành tâm là bắt buộc phải có

Đi lễ chùa là để cầu xin bình an, hạnh phúc tới cho bản thân, gia đình và cho tất cả mọi người. Khi lễ Phật, sự thành tâm là quan trọng nhất. Theo giáo lý nhà Phật, nếu không có sự thành tâm, thì không những lời cầu nguyện không linh nghiệm, mà công đức tiêu tán, thậm chí rước tai họa tới nhà.

Theo Đại đức chia sẻ, không có một quy tắc nhất định nào cho lời khấn. Tùy từng nơi, từng vùng, từng chùa mà lời khấn có thể khác nhau. Lời khấn cơ bản nhất là “Nam mô A di (mi) đà Phật”, sau đó xưng tên họ và nêu lên điều mình mong ước. Khi khấn Phật, sự thành kính, nghiêm trang là điều bắt buộc. Theo lời thầy Thích Giác Nghĩa, một lời khấn đơn giản mà thành tâm còn linh nghiệm hơn ngàn lời khấn cầu kì mà hời hợt.

3. Vào chùa, thể hiện sự tôn trọng mọi lúc, mọi nơi

Chùa là không gian tôn giáo trang nghiêm. Khi bước vào chùa, bạn cần thể hiện sự tôn kính của mình và tránh những sự thất lễ. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý.

Trang phục: Khi đi lễ chùa, cần ăn mặc trang trọng, đứng đắn, không được quá hở hang, phản cảm.

Chào hỏi: Khi vào chùa, cần gặp và chào trụ trì đầu tiên, sau đó xin phép trụ trì để được lễ Phật và tham quan chùa. Khi gặp bất cứ vị sao nào trong chùa, đều đứng thắng, chắp tay xá nhẹ, niệm Phật danh “A di (mi) đà Phật”. Nếu bạn biết Pháp danh của người được chào, bạn nên kèm thêm Pháp danh đó. Đối với các bậc Thượng tọa, Trụ trì, bạn không được gọi thẳng Pháp danh các sư thầy, mà nên thêm “Thượng” và “Hạ” vào Pháp danh đó. Ví dụ, khi gặp Trụ trì Thích Minh Tuệ chùa Vạn Niên, Hà Nội, bạn nên chào là thầy “Thượng Minh Hạ Tuệ”.

Lễ phật: Không lễ ở chính giữa ban thờ, vì nơi đó dành cho Trụ trì. Khi thấy có người đang lễ, bạn phải đứng lễ phía sau hoặc hai bên, tuyệt đối không đi vòng qua trước mặt người đang lễ Phật. Việc đó sẽ khiến người đang hành lễ bị phân tâm, và theo giáo lý nhà Phật, đây là một tội lỗi rất lớn. Khi khấn Phật, cần thành tâm, không được qua loa, hời hợt.

Ra vào chính điện: Khi bước vào các gian chính điện, luôn có một bậc cửa cao. Khi bước vào, bạn phải để giày dép ở bên ngoài và không được giẫm lên bậc cửa. Chỉ vào ở cửa hai bên trái phải, tuyệt đối không vào bằng cửa chính giữa, bởi cửa chính giữa chỉ dành cho Trụ trì. Khi để giày dép ở ngoài, bạn nên xoay mũi giày, dép quay ra ngoài, không để mũi giày, mũi dép chĩa về ban thờ.

Khi bước ra khỏi điện thờ, bạn nên đi lùi, tránh quay lưng lại điện thờ. Bước lùi dần tới cửa rồi mới quay lưng lại. Nếu bạn đã xoay mũi giày, dép ra ngoài, bạn có thể xỏ giày, dép một cách nhẹ nhàng và bước ra. Nếu đôi giày của bạn mất thời gian để mang, bạn nên cầm giày ra một gốc cây rồi mới mang, không ngồi xỏ giày ngay trước cửa điện.

4. Hành lễ từ trái sang phải

Có lẽ sẽ có nhiều người thắc mắc không biết nên bắt đầu hành lễ từ đâu khi đi lễ chùa. Mỗi chùa có một kiến trúc, một cách xếp đặt các gian nhà, điện thờ khác nhau. Tuy nhiên, có một cách hành lễ khá cơ bản có thể áp dụng ở các chùa, đó là: từ trái sang phải, thuận theo chiều kim đồng hồ. Trình tự từ trái sang phải là thuận theo quy luật tự nhiên trong giáo lý nhà Phật.

Bước vào chùa, việc đầu tiên bạn cần làm là chào Trụ trì và xin phép được đi lễ chùa. Sau đó, bạn bắt đầu hành lễ từ các gian ở bên trái, rồi đi dần sang phải, đúng một vòng chùa. Quy tắc này áp dụng cả ở các gian chính điện, bạn hành lễ ở Tam Bảo nơi chính giữa, sau đó qua bên trái lễ ban Thánh hiền, rồi qua bên phải lễ ban Đức ông. Chỉ cần nhớ quy tắc trên, bạn sẽ không bao giờ lúng túng trong trình tự hành lễ.

5. Tiền Phật hậu Mẫu

Điểm đặc biệt ở Việt Nam là hầu hết các chùa Việt Nam không chỉ có ban thờ Phật, mà còn có ban thờ các vị nhân thần trong các tín ngưỡng khác, ví dụ như các vị thánh trong đạo Mẫu. Bởi vậy nhân dân ta mới có câu “tiền Phật hậu Mẫu”.

Khi đi lễ chùa, trước tiên bạn cần lễ ban Tam Bảo và các vị thánh thần trong đạo Phật. Sau đó, bạn tới lễ các các vị nhân thần trong các tín ngưỡng khác, sau đó tới lễ ở gian thờ các vị Tổ sư của chùa. Đó cũng là một trình tự hành lễ mà bạn có thể cân nhắc.

6. Nếu cúng giải hạn đầu năm, nên tới chùa

Theo Đại đức chia sẻ, dâng sao giải hạn đầu năm là việc mọi người dâng lễ vật, công quả tới chùa và nhờ các sư thầy tụng kinh xóa bỏ nghiệp chướng trong năm vừa qua, cầu yên bình, suôn sẻ trong năm sắp tới. Mặc dù gần đây, nhiều gia đình có xu hướng làm lễ giải hạn này tại nhà, tuy nhiên, theo Đại đức, thực hiện lễ tại chùa sẽ có nhiều ích lợi hơn. Đại đức giải thích, lễ giải hạn cần có một người tụng niệm để xóa bỏ nghiệp chướng. Người tụng niệm cần có nhiều công đức thì việc tụng niệm mới hiệu quả. Các Phật tử tại gia tuy có làm việc thiện, tích nhiều công đức, nhưng thường xuyên ăn mặn, thì các công đức tích được lại phải hồi báo cho những oán niệm của các loài vật. Việc tụng niệm vì thế không thể hiệu quả bằng các sư thầy tại chùa ngày ngày ăn chay, niệm Phật. Bởi vậy, nếu muốn thực hiện lễ dâng sao giải hạn, bạn nên tới chùa.

7. Chùa nào cũng linh thiêng

Đầu năm mới, mọi người thường rủ nhau tới những chùa nổi tiếng trong vùng để đi lễ. Những ngôi chùa nổi tiếng thường có phong cảnh đẹp, rất thích hợp để vãn cảnh đầu năm. Tuy nhiên, nếu là để cầu xin bình an, thịnh vượng, bạn không nhất thiết phải tới các địa điểm nổi tiếng. Theo Đại đức, cầu nguyện ở chùa nào không quan trọng, chỉ cần thành tâm khấn Phật, lời cầu nguyện sẽ được linh ứng. Bởi vậy, vào dịp đầu năm, bạn có thể lựa chọn lễ Phật tại bất cứ chùa nào bạn cảm thấy thuận tiện.