Đại gia BĐS nói gì về khoản nợ chiếm phần lớn tổng nguồn vốn

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày nay, dư luận rộ lên thông tin về việc một số đại gia bất động sản (BĐS) có con số nợ “khủng”.

Tuy nhiên, theo lý giải của DN, với BĐS khi dự án hoàn thành và bàn giao cho khách hàng mới được ghi nhận là doanh thu, còn dự án được công bố và đang triển khai được tính là ghi nợ.
 Dự án BĐS được công bố và đang triển khai được tính là ghi nợ.
Có thể kể đến một loạt cái tên trên thị trường BĐS hiện nay với con số nợ “khủng”, như: Quốc Cường Gia Lai, Bất động sản Phát Đạt (PDR), Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC), Sacomreal (SCR) nhà Thành Thành Công,… thậm chí có cả “ông lớn” Novaland.
Trong đó, nợ phải trả của Becamex IJC đang chiếm tới 6.338 tỷ đồng, tương ứng 79% tổng nguồn vốn; Phát Đạt là 7.115 tỷ, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu; SCR là hơn 6.070 tỷ, tăng đến 43% trong năm qua, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu DN. Novaland đang đứng đầu danh sách những DN BĐS niêm yết có nợ phải trả lớn nhất với 35.968 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm 2017, chiếm 73% trong tổng nguồn vốn, tương đương năm 2016.
Theo lý giải của đại diện Novaland, nợ phải trả của DN này chủ yếu là nợ ngắn hạn với 22.658 tỷ VND, chiếm 63% nợ phải trả. Trong đó, người mua trả tiền trước ngắn hạn và vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2 khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất lần lượt là 39% và 34%.
Thế nhưng, điểm mạnh của DN này chính là nguồn vốn ứng trước từ khách hàng dồi dào 8.848 tỷ VND, tăng 49% so với đầu năm 2017, thông qua việc công bố thành công hàng loạt dự án. Đây là các khoản tiền trả trước hay đặt cọc giữ chỗ của khách hàng từ các dự án của Công ty. Các khoản tiền này sẽ được ghi nhận là doanh thu khi Novaland hoàn thành và bàn giao sản phẩm hoàn thiện cho khách hàng.
Được biết, với 8 dự án tiếp tục bàn giao, 19 dự án đang phát triển, các hoạt động M&A để mở rộng quỹ đất, Novaland cần một nguồn vốn đủ lớn để hỗ trợ thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thiện, giao nhà đúng cam kết và gia tăng giá trị Công ty.
Thực tế cho thấy, DN này vẫn kiểm soát tốt các khoản vay khi hệ số nợ/VCSH và hệ số nợ/TTS lần lượt là 1,35 và 0,36 lần, giảm 3% so với năm 2016. Theo báo cáo tài chính của Novaland, năm 2017 có khoảng 5.800 sản phẩm giao dịch thành công và bàn giao gần 3.600 căn. Lũy kế các dự án đã bàn giao đến thời điểm hiện tại là 15 dự án với gần 10.000 sản phẩm lũy kế đi vào vận hành, tỷ lệ hấp thụ bình quân của các dự án là 93%.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, con số nợ của Novaland chủ yếu đang nằm ở các dự án chưa hoàn thành và bàn giao cho khách hàng. Theo chuyên gia BĐS thì đây là tình hình chung của DN BĐS, không đáng lo ngại, nhất là khi tỷ lệ hấp thụ bình quân các dự án của DN đạt 93%.