Đại học đa lĩnh vực chưa phát huy được lợi thế

Oanh Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh dự thảo về chuyển trường đại học (ĐH) thành ĐH, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nơi nào đủ điều kiện thì chuyển và sắp xếp hợp lý để khai thác thế mạnh của ĐH đa lĩnh vực.

 GS.VS Đào Trọng Thi 
Từng là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN), GS có thể cho biết ĐH đa lĩnh vực phát huy lợi thế gì cho hoạt động đào tạo và người học?
- ĐH đa lĩnh vực đối với các nước không có gì xa lạ. Trước đây, Việt Nam có ĐH Đông Dương với các khoa Luật, Văn, Nghệ thuật, Hành chính, Y khoa. Khi đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, giáo dục ĐH chuyển sang mô hình khác để phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đến khi Nhà nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, mạng lưới giáo dục ĐH được chuyển thành ĐH đa lĩnh vực. Và, ĐH QGHN và ĐH QG TP Hồ Chí Minh và 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) đã ra đời.

Trước đây, sinh viên được đào tạo ở ngành nào khi ra trường sẽ công tác ở đúng lĩnh vực đó. Nền kinh tế thị trường, sinh viên không tìm được việc ở đúng ngành đã đào tạo thì chuyển sang lĩnh vực khác. Vì thế, hoạt động đào tạo ở ĐH đa lĩnh vực phải thích ứng nhanh với chuyển đổi nghề nghiệp. Không chỉ thế, ĐH đa lĩnh vực có thế mạnh chương trình đào tạo uyển chuyển, sinh viên có thể chuyển từ ngành này sang ngành khác. Thậm chí, nền kinh tế phát triển theo hướng khác, người học có thể lựa chọn các tín chỉ, môn học phù hợp.

Bộ GD&ĐT đề xuất, có ít nhất 5 trường thuộc ĐH được thành lập, mỗi trường có quy mô từ 3.000 người học trở lên, liệu có hợp lý?

- Một ĐH đa lĩnh vực phải có ít nhất 3 lĩnh vực, trong đó phải có lĩnh vực KHXH&NV, ngoài ra có lĩnh vực ưu tiên phát triển được coi là thế mạnh. Ví dụ, trường ĐH QGHN phát triển mạnh về khoa học cơ bản, nên bên cạnh lĩnh vực KHXH&NV đã phát triển lĩnh vực quan trọng là KHTN, cùng với đó mở thêm kinh tế, công nghệ.

Theo tôi quy định 5 trường ĐH thành viên của ĐH đa lĩnh vực là hơi nhiều. Nhập mấy trường không quan trọng mà tùy điều kiện cụ thể và khi trở thành ĐH phải tái cấu trúc lại có bao nhiêu lĩnh vực. Quy mô người học mỗi trường thành viên không nên cứng nhắc 3.000 người. Bộ GD&ĐT cũng không cần quy định tối thiểu bao nhiêu người học mà khống chế trần không quá bao nhiêu để việc đào tạo đảm bảo chất lượng.

Thực tế, có rất ít người thiết tha với việc liên kết các trường ĐH thành ĐH bởi khi nhập rất có thể hiệu trưởng bị mất ghế, mất quyền tự chủ và giảm quyền lợi?

- Ở các nước mà nền kinh tế thị trường đầy đủ, họ sáp nhập trường ĐH thành ĐH đa lĩnh vực có sức cạnh tranh cao hơn, đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tốt hơn và thu hút được nhiều người học hơn. Như vậy, họ nhập các trường ĐH với nhau vì chính quyền lợi của họ. Nhưng ở Việt Nam trong giai đoạn đầu như hiện nay, việc sáp nhập cơ học các trường thành ĐH chưa tạo ra sức mạnh, cạnh tranh mới và chưa thể hiện lợi thế của mình so với mô hình cũ. Vì thế, khi chuyển các trường ĐH thành ĐH thì phải sắp xếp lại nội bộ để hình thành sức mạnh mới từ đó khai thác. Đồng thời tiến đến vô hiệu hóa nhận thức không muốn nhập trường ĐH thành ĐH vì mất quyền lợi riêng. Điều này thể hiện bằng việc đánh giá đúng vị thế, vai trò của mỗi người cũng như quyền lợi được hưởng tương xứng với năng lực và đóng góp của họ.

Xin cảm ơn ông!