Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại học Quốc gia Hà Nội đạt thứ hạng 401-600 thế giới trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kimnhtedothi – Với việc đạt thứ hạng 401-600 thế giới của bảng xếp hạng THE Impact Rankings, Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành 1 trong 2 cơ sở giáo dục đứng đầu ở Việt Nam trong bảng xếp hạng này.

Vào lúc 19 giờ 00 (giờ Việt Nam), ngày 21/4, Tạp chí Times Higher Education (THE) đã công bố kết quả xếp hạng của bảng xếp hạng THE Impact Rankings. Đây là bảng xếp hạng được công bố từ năm 2019 của Times Higher Education, tiên phong lấy việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc làm tiêu chí xếp hạng xếp hạng các tổ chức giáo dục đại học trên toàn cầu.
Lần đầu tham gia trong kỳ xếp hạng của Impact Rankings của Times Higher Education năm 2021, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội đã được đánh giá cao về các hoạt động phát triển, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ quốc gia liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững với thứ hạng 401-600, trở thành 1 trong 2 cơ sở giáo dục đứng đầu ở Việt Nam trong Bảng xếp hạng này.
 Thứ hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong BXH THE Impact Rankings (Nguồn: timeshighereducation.com).
THE Impact Rankings công bố kết quả xếp hạng lần đầu năm 2019, hướng tới đo lường sự thành công của tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) của Liên Hợp Quốc (có hiệu lực kể từ năm 2016), kêu gọi hành động toàn cầu với mục tiêu xây dựng xã hội hoà bình, công bằng và thịnh vượng. Bảng xếp hạng này đánh giá tầm ảnh hưởng (Impact) và đóng góp của các cơ sở giáo dục đối với sự phát triển xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sống.
Trong kỳ xếp hạng năm 2021, trong số 1.115 cơ sở giáo dục ĐH tham gia xếp hạng THE Impact Rankings, ĐH Quốc gia Hà Nội lần đầu tham gia tại 7 SDGs (bao gồm: Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, Sức khỏe và cuộc sống tốt, Bình đẳng giới, Giáo dục có chất lượng, Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, Giảm bất bình đẳng, Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh) và đã có thứ hạng nổi bật ở 4 SDG. Cụ thể:
SDG 4. Giáo dục chất lượng (Quality Education): ĐH Quốc gia Hà Nội ở vị trí 92/966 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng. Đây là mục tiêu có thứ hạng cao nhất và ĐH Quốc gia Hà Nội  đã đạt vào nhóm 100 thế giới ở mục tiêu này.
SDG 5: Bình đẳng giới (Gender Equality): ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 101-200/776 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
SDG 8: Việc làm và tăng trưởng kinh tế (Decent work and economic growth): ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 201-300/685 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
SDG 17: Hợp tác để hiện thực hoá các mục tiêu (Partnership for the goals): ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 401-600/1154 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội còn được xếp hạng ở các SDG khác như SDG 3 (Sức khoẻ và cuộc sống hạnh phúc) với vị trí 601-800, SDG 10 (Giảm bất bình đẳng) với vị trí 301-400, SDG 16 (Hoà bình, công bằng và thể chế vững mạnh) ở vị trí 301-400.
Như vậy, có thể thấy, trong 7 hạng mục/mục tiêu tham gia xếp hạng, có đến 5 mục tiêu của ĐH Quốc gia Hà Nội có thứ hạng thuộc nhóm 400 trở lên.
Được biết, năm 2020, Việt Nam chỉ có 2 cơ sở giáo dục ĐH có mặt trong Bảng xếp hạng này, thì năm 2021 đã có 4 cơ sở giáo dục được xếp hạng, đó là ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 401-600), trường ĐH Tôn Đức Thắng  (401-600), trường ĐH Bách khoa Hà Nội (601-800), và trường ĐH Phenikaa (801-1000).Cả 4 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam đều được xếp hạng cao ở SDG số 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững). Tuy nhiên, duy nhất ĐH Quốc gia Hà Nội có thứ hạng cao ở SDG 4 (Giáo dục có chất lượng), với 71,4 điểm, đứng thứ 92 thế giới. Đây cũng là mức điểm cao nhất mà các cơ sở giáo dục của Việt Nam đạt được. Chỉ số về Bình đẳng giới (SDG 5) cũng là thế mạnh của ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong khi đó SDG 11 (Thành phố và cộng đồng bền vững) là 1 trong 3 chỉ số nổi bật của trường ĐH Tôn Đức Thắng và trường ĐH Phenikaa.
Đứng đầu Bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2021 là ĐH Manchester (Vương quốc Anh), 03 vị trí kế tiếp là các trường ĐH thuộc Australia (University of Sydney, RMIT, và La Trobe University).
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 25 trường ĐH nằm trong Bảng xếp hạng này. Malaysia có 19 trường, Indonesia có 18 trường, Philippines có 5 trường có mặt trong Bảng xếp hạng này.
Thứ hạng của ĐH Quốc gia Hà Nội trong lần đầu tham gia bảng xếp hạng THE Impact Rankings đã thể hiện vai trò quan trọng của ĐH Quốc gia Hà Nội trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Không chỉ chú trọng phát triển và cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho cộng đồng, ĐH Quốc gia Hà Nội còn luôn song hành với mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển cộng đồng. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục ĐH tiên tiến, phù hợp với phương châm cốt lõi trong hành động và định hướng phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội: “Đổi mới sáng tạo – Trách nhiệm quốc gia – Phát triển bền vững”.