Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 11.250 chỉ tiêu, với nhiều phương thức xét tuyển

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 13/3, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2021 sẽ tuyển sinh 11.250 chỉ tiêu cho 132 ngành, chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực (Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Luật, Y – Dược, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) theo nhiều phương thức xét tuyển.

5 phương thức xét tuyển sinh
Năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh trên cả nước và quốc tế.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội là 11.250. Trong đó trường ĐH Công nghệ 1.500 chỉ tiêu, trường ĐH Khoa học Tự nhiên 1.610 chỉ tiêu, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn 1.650 chỉ tiêu, trường ĐH Ngoại ngữ 1.600 chỉ tiêu, trường ĐH Kinh tế 1.300 chỉ tiêu, trường ĐH Giáo dục 1.000 chỉ tiêu, trường ĐH Việt Nhật 100 chỉ tiêu, trường ĐH Y Dược 500 chỉ tiêu, khoa Luật 700 chỉ tiêu, khoa Quốc tế 750 chỉ tiêu, khoa Quản trị và Kinh doanh 360 chỉ tiêu, Khoa Các khoa học liên ngành 180 chỉ tiêu.

Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT của Việt Nam; hoặc đã tốt nghiệp trình độ trung cấp (trong đó, người tốt nghiệp trình độ trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành); hoặc đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam.
Đồng thời, thí sinh có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành. Đối với người khuyết tật được cấp có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt và học tập thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho dự tuyển vào các ngành học phù hợp với tình trạng sức khoẻ.
 Năm 2021, Đại học  Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 11.250 chỉ tiêu cho 132 ngành, chương trình đào tạo. Ảnh: VNU.
Về phương thức tuyển sinh, xét tuyển đợt 1, bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và Quy định đặc thù, Hướng dẫn tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo tổ hợp các môn thi/bài thi tương ứng được quy định cụ thể trong Đề án tuyển sinh của nhà trường.
Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển theo các phương thức khác, đó là: Xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2021 và các chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT, IELTS và chứng chỉ quốc tế tương đương – có trong danh mục quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội);
Xét hồ sơ năng lực (kết quả học tập bậc THPT, phỏng vấn, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hoặc thí sinh có bằng tú tài quốc tế) đối với một số đơn vị đào tạo có hợp tác quốc tế và chương trình dạy bằng tiếng Anh;
Và, xét tuyển thí sinh là người nước ngoài đáp ứng các yêu cầu theo quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ GD&ĐT.
Xét tuyển bổ sung được thực hiện như xét tuyển đợt 1 (nếu còn chỉ tiêu). Sẽ có quy định cụ thể xét tuyển của từng ngành học tương ứng  được công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội và đơn vị đào tạo (nếu có).
Đối với các chương trình đào tạo Tài năng, Chuẩn quốc tế, Chất lượng cao, việc xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hoặc từ các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng ngành/chương trình đào tạo (sẽ được công bố chi tiết trong Đề án tuyển sinh trình độ ĐH năm 2021 của đơn vị). 
Sau khi trúng tuyển vào các đơn vị đào tạo, thí sinh có nguyện vọng theo học các chương trình đào tạo Tài năng, Chuẩn quốc tế, Chất lượng cao phải đạt điểm trúng tuyển vào ngành/chương trình đào tạo tương ứng kể trên theo tổ hợp xét tuyển tương ứng.hội đồng tuyển sinh quy định nhưng tối thiểu bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển vào ngành/chương trình đào tạo chuẩn tương ứng.
Nhiều ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tương ứng đối với thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để xét tuyển.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60) (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển.
 Mỗi phương thức tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khác nhau. Ảnh: VNU.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi SAT là 1100/1600 (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi). Mã đăng ký của ĐH Quốc gia Hà Nội với tổ chức thi SAT (The College Board) là 7853-Vietnam National University-Hanoi (thí sinh phải khai báo mã đăng ký trên khi đăng ký thi SAT). Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt từ 22/36 điểm,
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2021 sẽ được ĐH Quốc gia Hà Nội công bố trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển.
Thí sinh theo dõi để tham khảo hướng dẫn chi tiết tại Cổng thông tin tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội theo địa chỉ http://tuyensinh.vnu.edu.vn