Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh hơn 100 chương trình đào tạo bằng kép

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) dự kiến tuyển 10.000 chỉ tiêu cho các trường, khoa trực thuộc. Cũng trong năm này, ĐHQGHN sẽ thực hiện đào tạo bằng kép cho hơn 100 chương trình.

ĐHQGHN là đơn vị đào tạo chương trình thứ hai (bằng kép) cho sinh viên nhiều nhất tại Việt Nam. Hàng năm, ĐHQGHN tuyển sinh cho hơn 100 chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao, tiên tiến, tài năng ĐH ở các lĩnh vực Kinh tế, Tài chính ngân hàng, Ngoại ngữ, khoa Luật, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Y – Dược và Giáo dục.
Đào tạo bằng kép là cùng một khoảng thời gian, sinh viên hoàn toàn có thể học ngành thứ nhất và chương trình đào tạo chuẩn thứ hai, để nhận được hai bằng tốt nghiệp.
Tất cả sinh viên của ĐHQGHN đều có cơ hội học bằng kép tại các trường, khoa thành viên: trường ĐH Kinh tế, trường ĐH Ngoại ngữ, trường ĐH Giáo dục, khoa Quốc tế, khoa Luật.
Cụ thể, trường ĐH Kinh tế có 4 chương trình kép, đó là ngành Tài chính – Ngân hàng dành cho sinh viên ngành Kinh tế và Kinh tế phát triển của trường; ngành Kinh tế quốc tế, Tài chính – Ngân hàng dành cho sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ; ngành Kinh tế phát triển dành cho sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
 Năm 2020, ĐHQGHN sẽ thực hiện đào tạo kép hơn 100 chương trình.
Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển thí sinh cho chương trình đào tạo bằng kép ngành Ngôn ngữ Anh với đối tượng là sinh viên trường ĐH Kinh tế; trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; khoa Luật và sinh viên hệ chính quy của trường (trừ khoa Sư phạm tiếng Anh)...
Cũng trong năm 2020, trường ĐH Giáo dục mở rộng các chương trình đào tạo ngành kép cho sinh viên. Cụ thể, ngoài các ngành của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường ĐH Ngoại ngữ, sinh viên trường ĐH Giáo dục sẽ được học bằng kép các ngành Quản trị Kinh doanh, Kinh tế Quốc tế, Kinh tế phát triển thuộc trường ĐH Kinh tế; ngành Công nghệ thông tin (trường ĐH Công nghệ), ngành Luật (khoa Luật).
Sinh viên học Ngoại ngữ có thể kết hợp học bằng Kinh tế, bởi các tập đoàn lớn đều đang khát nhân lực vững chuyên môn và giỏi ngoại ngữ...
Theo các lãnh đạo ĐHQGHN, khi học ngành đào tạo thứ nhất và chương trình đào tạo chuẩn thứ hai (bằng kép)  trong cùng một khoảng thời gian, sinh viên có tư duy liên ngành hơn nhờ có thêm kiến thức và các hệ lý thuyết, tiếp cận nhiều ngành nghề đào tạo.
Sinh viên được nhận hai bằng cử nhân gần như cùng một thời điểm tốt nghiệp và có nhiều lợi thế để ứng tuyển việc làm sau khi ra trường.
Tuy nhiên, lãnh đạo ĐHQGHN lưu ý, học bằng kép là cơ hội nhưng cũng có thách thức bởi đòi hỏi sinh viên phải tập trung cao độ, thật sự nỗ lực, chăm chỉ. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để sinh viên được rèn luyện khả năng tư duy nhạy bén, quản lý và sắp xếp thời gian hợp lý, làm việc hiệu quả và chịu được áp lực. Đây chính là nền tảng để sinh viên rèn luyện, hoàn thiện bản thân trước khi ra trường hòa nhập vào môi trường làm việc.