Đại hội cổ đông các ngân hàng: Nóng bỏng nhân sự và tái cơ cấu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai nội dung làm nóng nhiều đại hội cổ đông (ĐHCĐ) các ngân hàng mấy năm nay dự báo sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong mùa đại hội 2017 khi quá trình tái cơ cấu hệ thống xương sống của nền kinh tế đang vào cao trào.

Bất ổn chuyện nhân sự

Eximbank là một trong những ngân hàng tâm điểm của giới đầu tư tài chính. Điều được quan tâm nhất ở các kỳ ĐHCĐ Eximbank 2017 được dự báo tiếp tục là nhân sự cấp cao. Eximbank dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2017 vào ngày 21/4 tại TP Hồ Chí Minh và thực hiện bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh PVcombank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Theo nghị quyết HĐQT Eximbank, Ngân hàng sẽ nhận ý kiến cổ đông/nhóm cổ đông đề cử, ứng cử người giữ chức danh thành viên HĐQT từ ngày 21/2 - 6/3 và dự kiến kiểm tra hồ sơ đề cử, ứng cử từ ngày 7 - 17/3. Tới ngày 20/3, Eximbank dự kiến nộp hồ sơ tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT trước khi tiến hành bầu tại ĐHCĐ.

Năm 2016, Eximbank đã có 2 lần tổ chức ĐHCĐ bất thành vì mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn, bất đồng về số lượng thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ mới. Trước ngày dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường 2/8/2016, Eximbank đã phải thông báo hủy do NHNN yêu cầu kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT. Tuy nhiên, trong năm 2016, Eximbank đã không thể tiến hành ĐHCĐ thành công. Do đó, ĐHCĐ Eximbank năm nay đang được giới đầu tư tài chính đặc biệt quan tâm.

Ngoài chốt chặn ở việc phải được NHNN chấp thuận danh sách ứng viên, đáng chú ý là việc thay đổi liên tục các nhóm cổ đông lớn tại ngân hàng này sẽ tạo ra những khó khăn cho công tác nhân sự khi các nhóm cổ đông bất đồng. Bởi quy định của Luật DN yêu cầu, để “có chân” trong HĐQT, cổ đông/nhóm cổ đông lớn phải đáp ứng yêu cầu sở hữu liên tục 6 tháng trở lên.

Ngoài Eximbank, giới đầu tư cũng dự đoán ĐHCĐ của Sacombank sẽ nóng bởi hiệu quả kinh doanh của ngân hàng này sau khi nhận sáp nhập SouthernBank (Ngân hàng Phương Nam) đang rất kém, khiến quyền lợi của cổ đông bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, cha con ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hoàn từ nhiệm thành viên HĐQT tại Sacombank cũng sẽ là chủ đề nóng tại đại hội của ngân hàng này khi theo quy định ĐHCĐ sẽ bầu thêm 2 thành viên HĐQT mới.

Loanh quanh việc tái cơ cấu

Với những ngân hàng êm chuyện nhân sự thì tái cơ cấu lại là vấn đề nóng hổi. Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không giấu được bức xúc khi đề cập đến câu chuyện mua bán - sáp nhập (M&A) PGBank với VietinBank. Việc treo lơ lửng thương vụ này suốt 2 năm trời khiến cổ đông của PGBank chịu thiệt thòi lớn vì các hoạt động của ngân hàng này bị ảnh hưởng.

Nhà đầu tư đang sở hữu hơn 10.000 cổ phiếu của một ngân hàng TMCP cho biết, những năm gần đây, ĐHCĐ ngân hàng luôn xoay quanh câu chuyện khó khăn khi nợ xấu tăng cao, quá trình xử lý chậm khiến lợi nhuận bị “ăn mòn” và cổ tức hầu như không có. Với quy mô vốn hơn 5.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của ngân hàng chỉ đạt chưa đầy 200 tỷ đồng, nên cổ đông này không trông chờ việc chia lợi tức, chỉ mong ngân hàng sớm niêm yết để thoát được "hàng".

Có cổ đông bức xúc về việc trước đây nắm cổ phiếu PVF của Công ty Tài chính PVFC đang được niêm yết trên sàn HoSE. Nay hoạt động của Ngân hàng không khả quan, nhất là báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán không được công bố rộng rãi cho cổ đông, trong khi báo cáo tài chính của Tập đoàn Dầu khí (PVN) lại có nhiều điểm ngoại trừ khủng liên quan đến Ngân hàng.