Đại hội đại biểu Người công giáo Việt Nam lần thứ VII: Tôn vinh người công giáo tiêu biểu

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 400 linh mục, tu sĩ, giáo dân tiêu biểu trên cả nước sẽ tham dự Đại hội đại biểu Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 tại Hà Nội, diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/10.

5 năm qua, một số lĩnh vực nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước nơi đồng bào Công giáo là phát triển kinh tế, từ thiện xã hội, xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh. Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước, xây dựng khối đại đoạn kết dân tộc, vừa hiệp thông thực hiện các chương trình mục vụ của Giáo hội.
Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội lần này là tôn vinh những người công giáo tiêu biểu với những việc làm cụ thể, thiết thực, đang từng ngày, từng giờ đóng góp dựng xây quê hương, đất nước.
Thời gian qua, trong những phong trào thi đua của người Công giáo, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như linh mục Nguyễn Ngọc Phi ở Đà Nẵng. Ngoài công việc của một linh mục, ông còn là nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Công giáo và kỷ lục gia của Việt Nam, sáng tác hơn 300 truyện ngụ ngôn, hơn 500 bài hát, chủ yếu là nhạc về đạo. Năm 2017, linh mục vinh dự được trao Bằng khen và cúp “Trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh”.
Hay ông Giuse Nguyễn Văn Vàng (huyện Thanh Oai, Hà Nội), nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất với quy mô tập trung đã mang lại kết quả thiết thực, từng bước phát triển kinh tế gia đình bền vững. Ông Vàng còn là một trong những giáo dân tiêu biểu tham gia nhiều hoạt động từ thiện bác ái, ủng hộ khoảng 100 triệu đồng xây dựng nhà thờ họ.
Còn rất nhiều tấm gương khác đang âm thầm đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Với tinh thần “Kính chúa - yêu nước”, 7 triệu người công giáo, hiện diện trên khắp mọi miền đất nước, tham gia vào hầu khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mong muốn đất nước phát triển, đời sống nhân dân được ấm no.
Trong thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam xác định sẽ tiếp tục những giá trị truyền thống tốt đẹp đã có, đồng thời đưa ra các biện pháp cụ thể thực hiện đường hướng “Đồng hành - Hiệp thông - Phục vụ” trong các hoạt động của mình. Phát huy truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, “đền ơn đáp nghĩa”. Cùng nhau xây dựng cộng đồng dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường, văn minh, đoàn kết.