Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội: Không bắt tay hòa cả làng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thế nào để Hội Nhà văn Hà Nội không giống như nơi sinh hoạt của những người già, duy trì được giải thưởng uy tín… là những điều đặt ra cho 8 thành viên trong Ban Chấp hành (BCH) mới được bầu ở Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội ngày 8 và 9/8.

Đặc biệt, kỳ vọng này còn được gửi gắm nhiều hơn ở vị Chủ tịch ngoài dự kiến trước Đại hội – nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
Bất ngờ đến phút chót
Sau hơn 2 năm trễ hẹn với Đại hội, khiến nhiệm kỳ 11 kéo dài đến 7 năm, tâm thế của các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội “không phải phấn khởi phơi phới mà đều có tâm tư” – như nhà văn Nguyễn Thị Huệ nói. Tâm tư ấy như được bùng lên khi danh sách nhân sự do Đoàn Chủ tịch Đại hội công bố có 17 người, thiếu rất nhiều gương mặt nổi trội so với danh sách 33 người như đại hội cơ sở đề xuất. Chính vì vậy, rất dễ hiểu vì sao suốt một ngày Đại hội, các hội viên không quan tâm tham luận nội dung chuyên ngành sáng tạo, phê bình… mà nói như nhà thơ Vũ Quần Phương: “Như thể người ta chỉ lo cái ghế ngồi cho mấy ông quản lý”. Tuy nhiên, tối muộn ngày 8/8, Đại hội cũng chốt được nhân sự BCH lần thứ 12 nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 8 người: “BCH Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ 12 nhiệm kỳ 2015 - 2020: Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hữu Việt, Nguyễn Sĩ Đại, Bùi Việt Mỹ, Trần Quang Quý, Y Ban, Nguyễn Việt Chiến, Trần Gia Thái".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chụp ảnh lưu niệm với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ 12, sáng 9/8. Ảnh: Linh Anh

Đặc biệt, trong phiên họp đầu tiên của BCH khóa mới sáng 9/8 đã bỏ phiếu và đi đến 100% thống nhất bầu nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ làm Chủ tịch Hội. Kết quả này thay đổi gần như khác xa với đồn đoán ban đầu. Hơn nữa, người được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ Hội Nhà văn Hà Nội khóa mới – nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ không có trong đề cử nhân sự của Đoàn Chủ tịch Đại hội. Kết quả này, theo nhà thơ Vi Thùy Linh, dù chưa phải là người 7x, 8x nhưng cũng đã là trẻ hóa đội ngũ nhân sự so với dự kiến ban đầu.
Hội không còn “kiêu”
Bên lề Đại hội, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của BCH khóa mới là tìm đến các nhà văn trẻ và mời họ tham gia Hội Nhà văn Hà Nội. “Chúng tôi sẽ không còn một nhà văn muốn là hội viên phải làm đơn, xin giấy giới thiệu, có chứng nhận của cơ quan… BCH yêu cầu từng tiểu ban phải có trách nhiệm nắm bắt những nhà văn trẻ đang nổi tiếng chưa là hội viên, mời họ tham gia vào Hội. Vì các nhà văn trẻ luôn có sáng tác mới mẻ, có cách nhìn nhận, đi tiếp cận sáng tác khác. Họ không phải cứ sáng tác truyền thống, nhiều khi là ảnh, trên facebook hoặc tản văn… Nhưng họ là những người đến gần với xã hội và công chúng” – nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhấn mạnh. Hơn nữa, tân Chủ tịch Hội thừa nhận chấp nhận một giải thưởng được trao tặng có thể không vừa lòng tất cả, nhưng tiêu chí đầu tiên hoạt động của BCH khóa mới là chấp nhận sự khác biệt trong sáng tác.
Với mong muốn Hội Nhà văn là ngôi nhà của hơn 650 hội viên, tại Đại hội Hội Nhà văn nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đoàn Chủ tịch Đại hội có gửi đến lãnh đạo UBND TP Hà Nội 2 kiến nghị: Hỗ trợ nhà ở cho những hội viên thu nhập thấp và tạo nhiều cơ hội để các nhà văn tham gia ý kiến vào sự phát triển chung của TP. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, TP luôn ghi nhận mong muốn của các nhà văn xây dựng Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh và giàu đẹp; đồng thời TP cũng sẽ tạo điều kiện cho các hội viên khó khăn theo quy định hiện hành.
Nhiệm kỳ 2015 – 2020 của Hội Nhà văn Hà Nội chỉ còn kéo dài hơn 2 năm, với nhiều gương mặt mới lần đầu tham gia BCH, người ta có quyền kỳ vọng văn học Thủ đô không còn đi chệch khỏi guồng quay của cuộc sống, mà có nhiều tác phẩm hay, đi sâu phản ánh đời sống thực tế hơn nữa.
“Đã có thời các nhà văn muốn xin nghĩa trang riêng cho các nhà văn. Chúng ta đừng xin những cái gì khác biệt. Nằm cạnh Nhân dân thì sẽ luôn có nén hương thắp, chứ chôn riêng một chỗ thì ai biết mà đến thắp hương. Chẳng lẽ nhà văn lại quan trọng hơn thầy giáo hay bác sĩ?” – nhà thơ Vũ Quần Phương.

“Trong nhiệm kỳ trước của Hội Nhà văn Hà Nội đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Vì vậy mọi người kỳ vọng mới vào kỳ đại hội này. Ngày đầu của Đại hội diễn ra rất căng thẳng, nhưng nếu chúng tôi vẫn cố gắng “ăn thua” thì sẽ không có được kết thúc tốt đẹp, chọn được 8 gương mặt sáng giá” – nhà văn Y Ban.