Đại hội MTTQ Việt Nam TP lần thứ XVII: Dấu ấn hoạt động của các tổ chức thành viên, mặt trận cấp cơ sở

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 24/7, tại ngày làm việc thứ nhất, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP lần thứ XVII đã nhận được nhiều tham luận về những hoạt động nổi bật của các tổ chức thành viên, mặt trận các quận, huyện thị xã trên địa bàn TP trong nhiệm kỳ qua, đồng thời chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất các kiến nghị để nâng cao hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới.

 Các đại biểu tham gia Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ảnh: Phạm Hùng
Giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tham luận tại Đại hội về Vai trò của MTTQ trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc phát triển kinh tế thực hiện “Giảm nghèo bền vững”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì Phùng Huy Hiền cho biết: Thực hiện chương trình giảm nghèo và các chính sách xã hội, trong những năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên huyện Ba Vì đã luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo của 7 xã miền núi; phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay đối với hộ nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ; đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận và thụ hưởng một số chương trình để phát triển kinh tế - xã hội, mỗi năm giải quyết việc làm cho 350 - 500 lao động.
Trong 5 năm qua đã có trên 300 nhà trong vùng đồng bào dân tộc được sửa chữa, nâng cấp với tổng số tiền 4,2 tỷ đồng…Trong công tác tuyên truyền, MTTQ Việt Nam huyện luôn chú trọng việc xây dựng, nhân rộng điển hình các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc; chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc…
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Nguyễn Văn Nghinh tham luận tại Đại hội với chủ đề “Phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, tích cực tham gia giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
 Ảnh: Trần Thảo
Hàng năm, Hội CCB đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, triển khai toàn diện các nội dung chương trình công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đẩy mạnh phong trào “tự phòng - tự quản” về ANTT và tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Tích cực tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn, những vấn đề dân sinh búc xúc, các hoạt động tụ tập đông người, biểu tình trái phép ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn... nhất là công tác giải phóng mặt bằng xây dựng công trình phúc lợi, các dự án trọng điểm của Thành phố.
Xây dựng và duy trì các tổ đội công tác, vận động CCB tham gia hòa giải mâu thuận nội bộ Nhân dân; tổ chức tuần tra, tham gia giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm nòng cốt trong phong trào quần chúng vì an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là công tác xã hội tình nguyện và phòng chống ma túy ở cộng đồng khu dân cư... góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn thủ đô.
Trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp Hội đã tham gia 7.566 ý kiến xây dựng các chủ trương, kế hoạch, quy hoạch phát triển của các địa phương giai đoạn 2015 - 2020. Động viên 34.955 hội viên CCB đang tham gia công tác trong hệ thống chính trị của Thành phố nêu cao trách nhiệm trong các Ban chỉ đạo quy chế dân chủ cơ sở, Ban giám sát cộng đồng; Thanh tra Nhân dân, góp phần công khai, minh bạch các hoạt động tài chính, tài sản chung, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao tinh thần làm chủ của Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.
 Các tầng lớp Nhân dân tham gia trồng cây, hưởng ứng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Thảo. 
Công giáo Thủ đô tích cực bảo vệ môi trường
Linh mục Dương Phú Oanh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam TP Hà Nội đã tham luận tại Đại hội với chủ đề Người Công giáo Thủ đô tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Xứ họ đạo tiên tiến” và thực hiện mô hình điểm về xây dựng Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Linh mục Dương Phú Oanh cho biết: Luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động của đồng bào Công giáo trên địa bàn Thành phố, các sinh hoạt lễ nghi Tôn giáo đều được các Xứ, Họ đạo, Ban Hành giáo thông báo, tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều hình thức trang trọng, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự. Việc xây dựng, sửa chữa Nhà thờ, Nhà nguyện, các công trình phụ trợ Tôn giáo đều được các cấp có thẩm quyền quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để xây dựng ngày càng khang trang, đẹp đẽ, mở rộng khuôn viên đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nguyện vọng của giáo dân.
Các Xứ, Họ đều căn cứ vào đặc điểm tình hình của Xứ, Họ và thực trạng môi trường trên địa bàn để thống nhất với MTTQ và các Ban ngành chức năng liên quan xây dựng những nội dung tiêu chí cụ thể về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tuyên truyền vận động giáo dân, cùng Nhân dân trong Xứ, Họ, khu dân cư tham gia ký cam kết thực hiện những nội dung tiêu chí về công tác bảo vệ môi trường như: Giáo họ Đình Quán, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm; Giáo xứ Thượng Thụy, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ với mô hình “Đưa người qua đời đi hỏa táng”, kết quả 100% đồng bào Công giáo qua đời đã đi hỏa táng. Giáo xứ Kẻ Nghệ, xã Minh Cường, huyện Thường Tín với số đồng bào Công giáo chiếm trên 50%, đã xây dựng 6 tiêu chí để thực hiện xây dựng mô hình, kết quả các tiêu chí cơ bản đều đạt từ 80 - 90% nội dung đề ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần