Đại lễ tưởng niệm để lan tỏa tinh thần nhân nghĩa của Ni sư Diệu Nhân

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vị công chúa thời Lý, Lý Ngọc Kiều (được vua Lý Thái Tông phong công chúa Thúy Thánh) sau khi chồng mất đã đem toàn bộ tư gia, gia sản bố trí cho dân chúng để xuất gia tu phật với pháp danh Diệu Nhân. Tinh thần nhân nghĩa, mẫu mực của vị ni sư sinh thời trụ trì ở Gia Lâm, Hà Nội đã được Phân ban Ni giới T.Ư gợi nhớ trong Đại lễ kỷ niệm sáng 27/10, để lan tỏa đến các phật tử ngày nay.

Sáng 27/10, Phân ban Ni giới T.Ư đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử Phật giáo, Ni sư Diệu Nhân và Nguyên Phi Ỷ Lan là hai vị Ni - Nữ Phật tử nổi tiếng thời Lý, góp phần tích cực cho Phật giáo thời Lý phát triển rực rỡ và làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy, dù năm viên tịch của Ni sư Diệu Nhân không phải là năm chẵn, nhưng Học viện Phật giáo Việt Nam vẫn quyết định tiến hành Đại lễ tưởng niệm với sự tham gia của hơn 600 Phật tử.

Tại Đại lễ tưởng niệm, Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm - Ủy viên Tthường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng Ban tổ chức Đại lễ đã gợi nhớ tiểu sử của Ni sư Diệu Nhân thế ganh Lý Ngọc Kiều.

Ni sư Diệu Nhân sinh năm 1042 tại Thăng Long, là trưởng nữ của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung (con trai vua Lý Thái Tông), được phong Thụy Thánh công chúa. Với thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, được vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) nhận làm con nuôi, nuôi dạy trong cung từ nhỏ.

Là người có đóng góp lớn cho nền Phật giáo dưới triều đại thời Lý, tinh thần nhân nghĩa của Ni sư Diệu Nhân mãi lan tỏa trong đời sống đạo Phật của Việt Nam

Đến tuổi trưởng thành, vua gả công chúa Thụy Thánh cho người họ Lê làm châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc Tam Nông, Phú Thọ), vùng phên giậu của đất nước thời bấy giờ. Chồng chết, bà không tái giá, sau đó phát tâm xuất gia tu Phật, được Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) ở hương Phù Đổng nhận làm đệ tử, đặt pháp danh là Diệu Nhân, truyền Bồ-tát giới, trở thành người nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Sau khi xuất gia Ni sư Diệu Nhân dốc hết tư trang, gia sản bố thí cho dân chúng, chuyên chú học hỏi những điều tâm yếu của Phật pháp. Được Thiền sư Chân Không đưa đến trụ trì Ni viện Hương Hải thuộc hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới đương thời.

Năm 1113, Ni sư thị tịch, thọ 72 tuổi, để lại một tâm kệ 7 câu 28 chữ có ý nghĩa nhân sinh và tư tưởng Phật học sâu sắc.

Hơn 600 phật tử đến từ mọi miền tổ quốc đã tụ hội về tham dự Đại lễ tưởng niệm

Tại Đại lễ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà nhấn mạnh, “Ni sư Diệu Nhân là bậc tiền bối khả kính và là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam nói chung, Ni giới Việt Nam nói riêng.

Việc Phân ban Ni giới T.Ư cùng GHPG Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học và Lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân theo đạo Phật, mà còn là một sự kiện văn hóa, xã hội gắn với tâm thức tưởng niệm tri ân và báo ân của toàn thể cộng đồng”.

Ban tổ chức đã trao 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ khuyến học Việt Nam. Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đại diện đón nhận.

Tại buổi lễ, tiếp nối và phát huy tinh thần từ bi của Đạo Phật, Ban tổ chức đã trao tặng 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ khuyến học Việt Nam. Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm - Trưởng Ban tổ chức Đại lễ cùng Ni trưởng Thích Đàm Thành, Ni trưởng Thích Đàm Lan đã trao quà ủng hộ quỹ cho nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần