Đại sứ Daniel Kritenbrink dẫn 4 bài học lớn về giảm ô nhiễm không khí của Mỹ

Bài, ảnh: Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ cũng khẳng định Mỹ sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong quá trình giảm ô nhiễm ô nhiễm không khí.

Đó là khẳng định của Đại sứ Mỹ trong buổi tọa đàm về chất lượng không khí ở Hà Nội ngày 13/3. 

Tại đây, Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink khẳng định nước này muốn trở thành đối tác cùng Việt Nam phát triển độc lập, thình vượng, trong đó vấn đề ô nhiễm không khí được coi trọng giải quyết hàng đầu.

 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink. 

Dẫn tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Mỹ trong những năm 1970, Đại sứ khẳng định đây là những kinh nghiệm đầy thương đau để tới nay nền kinh tế Mỹ đã tăng gấp 3, trong khi mức độ ô nhiễm không khí giảm đến 75%.

Theo Đại sứ, Mỹ đã rút ra được 4 bài học lớn đối với vấn đề về không khí: Thứ nhất, chính phủ cần phải quan tâm và có phản ứng trước những mối lo ngại của công chúng. Thứ hai, chính phủ đã cung cấp những dữ liệu, thông tin chính xác và miễn phí cho công chúng về chất lượng không khí. Thứ ba, năm 1970 quốc gia này đã công bố Đạo luật Không khí sạch (Clean Air Act). Cuối cùng là thực thi nghiêm túc theo đạo luật đó.

Với những kinh nghiệm đó, Đại sứ khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, cũng như chia sẻ lời khuyên giúp Việt Nam trong lĩnh vực này.

4% người dân hài lòng

Cùng chia sẻ tại tọa đàm, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, 99% người dân Việt Nam quan tâm tới chất lượng không khí nhưng chỉ 4% trong số đó hài lòng về chất lượng không khí, theo khảo sát của GreenID cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Theo khảo sát của tổ chức này, nhận thức về ô nhiễm không khí đã được cải thiện rõ rệt trong hai năm qua, gần đây người dân đã biết và tự trang bị cho mình những biện pháp cơ bản để bảo vệ sức khỏe.

Theo thông tin đưa ra tại tọa đàm, nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 trong không khí - tức nồng độ các chất dạng hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron và có thể đi sâu vào phổi và hệ tuần hoàn – đo được ở trạm đo đặt tại Đại sứ quán Mỹ, đã vượt quá quy chuẩn an toàn của Việt Nam 88 ngày trong năm 2018, và đạt mức trung bình 40,7 microgram/m3.

Tuy nhiên nếu tính theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ PM2.5 vượt quá ngưỡng 232 ngày trong năm qua.

Bà Khanh cũng dẫn báo cáo cho biết Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và 209 trong tổng số 3000 thành phố được xếp hạng về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5, theo báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới 2018.

Theo các chuyên gia, có 4 biện pháp để Việt Nam khắc phục ô nhiễm không khí trong dài hạn. Đó là: giảm thiểu các nguồn phát thải lớn, ban hành luật bảo vệ môi trường không khí, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần