Đại sứ Daniel Kritenbrink: "Những gì Mỹ và Việt Nam đạt được là điều kỳ diệu"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chúng tôi muốn Mỹ là đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ công cuộc phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập của Việt Nam".

Đó là nhận định của ngài Daniel J. Kritenbrink trong buổi nói chuyện với  sinh viên và giảng viên của Trường Đại học Hà Nội với chủ đề về quan hệ Mỹ – Việt hôm 21/11. 

Theo đó, ngài Đại sứ đã thảo luận về chính sách của Mỹ  tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, những ưu tiên của Mỹ tại Việt Nam cũng như cách thức để xây dựng một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước trong một thế giới còn nhiều bất ổn.

 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Hà Nội.

Điều kỳ diệu hay gần như kỳ diệu

Tại đây, trước 400 sinh viên, ngài Đại sứ khẳng định: “Tôi đã có công việc tốt nhất trên thế giới. Và tôi tin rằng, với Mỹ, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới. Công việc của tôi là xây dựng quan hệ đối tác Việt - Mỹ mạnh mẽ trong một thế giới bất ổn.” Về quan hệ đối tác giữa hai nước, Đại sứ cho rằng ông tự hào khi chứng kiến quan hệ đối tác Việt Nam - Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Hai nước đã cùng trải qua một giai đoạn lịch sử, sau nhiều năm chiến tranh và thăng trầm, đã xây dựng được quan hệ đối tác, tình hữu nghị trên nhiều lĩnh vực từ quốc phòng, thương mại đến giao lưu nhân dân.

 “Tôi từng nói rằng với bạn bè cả Việt Nam và người Mỹ rằng, những điều chúng ta cùng đạt được là điều kỳ diệu”, ngài Đại sứ nói và cho biết thêm, tuy nhiên khi ông chia sẻ câu chuyện này với ngài Pete Peterson, Đại sứ đầu tiên tại Việt Nam thì không nhận được sự đồng tình. “Những điều chúng ta đạt được gần giống với điều kỳ diệu, nhưng đó không phải tình cờ hay tự nhiên diễn ra mà là kết quả của nhiều năm nỗ lực, chăm chỉ, dũng cảm và tầm nhìn của cả hai bên”, Đại sứ Daniel Kritenbrink dẫn lời ngài Peterson.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ, Đại sứ Mỹ điểm lại sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị APEC năm 2017, tại đây ông chủ Nhà Trắng khẳng định Việt Nam – Mỹ có quan hệ hữu nghị sâu sắc, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hướng tới lợi ích chung.

“Điều tôi muốn nói với các bạn ngày hôm nay là Mỹ đang đầu tư vào sự thành công của Việt Nam. Chúng tôi muốn Việt Nam thành công. Chúng tôi muốn Mỹ là đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ công cuộc phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập của Việt Nam”, ngài Đại sứ nhận định.

Cạnh tranh không phải thù địch

Cũng tại buổi trao đổi mở này, ngài Đại sứ đã chia sẻ một số chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, có khả năng ảnh hưởng tới khu vực.

 “Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, cạnh tranh không phải là thù địch. Tổng thống Trump đã tuyên bố rõ rằng, chúng tôi muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh, phát triển cùng nhau chứ không riêng rẽ. Nhưng chúng tôi sẽ phản ứng lại các hoạt động thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc”, Đại sứ nói, đồng thời nhấn mạnh Mỹ tiếp tục kỳ vọng vào một mối quan hệ thương mại công bằng, tự do và có đi có lại với Trung Quốc.

Đại sứ cũng bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. “Một lần nữa, tôi tin rằng, các quốc gia dù nhỏ hay lớn đều phải tuân thủ pháp luật. Vấn đề Biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Tự do hàng hải và hàng không cần được duy trì cho tất cả các quốc gia”, ngài Kritenbrink nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của sinh viên về Sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc, ngài Đại sứ khẳng định nhu cầu về cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới là rất lớn. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, không chính quyền của quốc gia nào nên và có khả năng trở thành nhà tài trợ chính cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.

“Các quốc gia tìm kiếm đầu tư cũng luôn cần suy xét tác động của các nguồn vốn này đối với độc lập và chủ quyền về dài hạn khi ra các quyết định lựa chọn”, theo Đại sứ.  Về phần Mỹ, mục tiêu của nước này không phải là gia tăng các khoản cho vay tại Việt Nam hay bất cứ đâu, thay vào đó là theo đuổi các chiến lược và khoản đầu tư ưu đãi vào khu vực tư nhân để đưa ra giải pháp phát triển dài hạn.

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần