Đại sứ Kazakhstan chia sẻ về tuyến đường sắt “huyết mạch” kết nối hàng hóa Việt Nam vào châu Âu

Ngọc Lâm (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, lần đầu tiên chuyến tàu chở 9,100 tấn hàng hoá vận chuyển từ Hà Nội, qua ga biên giới Đồng Đăng, tới Trung Quốc, Kazakhstan và Duisburg (Đức).

 Đại sứ Cộng hoà Kazakhstan tại Việt Nam – ngài Beketzhan Zhumakhanov. Nguồn: Sứ quán Kazakhstan tại Hà Nội. 

Đại sứ Cộng hoà Kazakhstan tại Việt Nam – ngài Beketzhan Zhumakhanov đã chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị quan điểm của Đại sứ về những bước ngoặt chính trị lớn gần đây tại Kazakhstan cũng như tiềm năng phát triển trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. 

Đại sứ nhận định gì về mối quan hệ hiện nay và triển vọng trong tương lai giữa Việt nam và Kazakhstan? Đây là những lĩnh vực tiềm năng phát triển mà hai bên có thể chú trọng?

Trước hết, tôi cho rằng mối quan hệ song phương giữa hai nước được tạo dựng trên cơ sở đồng thuận và nhất quán đối với nhiều vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Bên cạnh đó, tiền đề cho các cuộc đối thoại chính trị giữa Việt Nam và Kazakhstan cũng được xây dựng dựa trên các chuyến thăm viếng của lãnh đạo cấp cao nhất từ hai nước.

Vào năm 2011, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam, một năm sau đó, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm đáp lại. Thông qua các chuyến thăm này, hai nước đã xác lập các lĩnh vực hợp tác chính và kí kết nhiều thoả thuận mang tính nền tảng, về hợp tác kinh tế, bảo vệ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và hợp tác vận tải.

Ngoài ra, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan K.Dzhakupov đến Việt Nam vào tháng 3/2015 và chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đến Kazakhstan vào tháng 10/2017 đã tạo nền móng cho mối quan hệ hữu nghĩ giữa quốc hội hai nước.

Theo tôi, hoạt động đối ngoại của các quốc hội trong thời gian qua đã trở thành một yếu tố quan trọng trên bình diện chính trị quốc tế. Các nghị sĩ quốc hội với tư cách đại diện cho người dân, đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia trên trường quốc tế.

Cả hai quốc hội Việt Nam và Kazakhstan đã có những đóng góp lớn thúc đẩy quan hệ song phương trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại của từng bên. 

Chúng tôi cũng dự định sẽ mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm Kazakhstan vào tháng 9 tới nhân sự kiện Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á – Âu lần thứ 4.

Về quan hệ kinh tế, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan trong năm 2018 đạt 467,2 triệu đô la, trong khi năm 2017 lần đầu tiên vượt mức 542,7 triệu đô la.

Thành tựu này đạt được một phần là nhờ việc thiết lập khu thương mại tự do giữa Liên minh các nước Á – Âu (EAEU) và Việt Nam.

Điểm đáng chú ý trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Kazakhstan là gì, thưa Đại sứ?

Đáng chú ý, trong tổng quan mối quan hệ thương mại giữa Kazakhstan và khu vực ASEAN trong thời gian 2013 – 2018, Việt Nam hiện đang đứng đầu khối xét về kim ngạch thương mại với Kazakhstan. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo tôi, với dân số lên tới 94 triệu người, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm nông nghiệp của Kazakhstan, trong khi các bạn có thể xuất khẩu thuỷ sản và hoa quả nhiệt đới sang Kazakhstan. Điều này cho thấy thị trường hai nước có mối quan hệ tương hỗ, thay vì cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, hai nước vẫn cần thúc đẩy mở cửa thị trường hơn nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp của hai nước tiếp cận thị trường, trong đó bao gồm việc kí kết các thoả thuận, xoá bỏ hàng rào phi thuế quan, cũng như việc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch an toàn, nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm từ động, thực vật.

Tôi cho rằng Kazakhstan có đầy đủ điều kiện để trở thành đối tác cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, do đặc thù điều kiện địa lý xa xôi giữa hai nước, để thúc đẩy quan hệ kinh tế sẽ đòi hỏi phải thiết lập một tuyến đường giao thương tối ưu. Về vấn đề này, từ năm 2016, sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Kazakhstan đã hợp tác nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt nối Việt Nam và Kazakhstan thông qua Trung Quốc.

Vào năm 2018, tuyến đường đã chính thức được đưa vào vận hành với trục Việt Nam – Trung Quốc – Kazakhstan – Châu Âu. Tuyến đường sẽ là một phương án mới cho phép hàng hoá Việt Nam tiếp cận các thị trường châu Âu. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vì sự hợp tác tích cực trong dự án này.

 Mô phỏng tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan - châu Âu. Nguồn: Hellmann Worldwide Logistics.

Vậy Đại sứ kì vọng gì vào tác động của tuyến đường sắt mới đối với mối quan hệ hợp tác đầu tư – kinh tế giữa Việt Nam và Kazakhstan?

Trong năm 2018, lần đầu tiên chuyến tàu chở 9,100 tấn hàng hoá (tương đương 1,686 TEU) được vận chuyển từ Hà Nội (ga Yên Viên), qua ga đường sắt biên giới là Đồng Đăng, sau đó lần lượt đến Trung Quốc, Kazakhstan và Duisburg (Đức).

Do đó, việc vận chuyển hàng hoá của các công ty điện tử Samsung và LG từ Hà Nội tới Duisburg sẽ mất 22 ngày, trong đó có 2 ngày để vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc. Còn từ Trung Quốc đến Duisburg sẽ mất 20 ngày.

Trong tương lai, thời gian vận chuyển hàng hoá sẽ tiết kiệm thêm được 3 ngày, tức chỉ còn 19 ngày để đưa hàng hoá từ Việt Nam sang châu Âu. Tôi được biết Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến khối lượng hàng hoá sẽ tăng đáng kể trong năm nay.

Với cách thức tiếp cận phù hợp từ các bên liên quan, tôi tin tưởng tuyến đường này sẽ là cách thức vận chuyển hàng hoá tối ưu nhất tới các quốc gia châu Âu.

Tuyến đường sẽ giúp Kazakhstan cũng như các nước trong Liên minh Á – Âu xuất khẩu hàng nông sản, bao gồm các sản phẩm thịt và sữa tới Việt Nam một cách thuận tiện, ngược lại, các bạn có thể xuất khẩu thuỷ sản và trái cây tươi tới Kazakhstan trong vòng chưa tới 16 ngày.

Hiện, tôi được biết Việt Nam đang thúc đẩy kí kết Hiệp định thương mại tự do với EU, theo đó, tuyến đường vận tải này sẽ là một phương án tốt thay thế vận tải biển tới châu Âu.

Tôi nghĩ rằng tuyến đường sắt sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế giữa hai nước. Đây là lúc hai bên cần tính tới việc triển khai những dự án xuyên quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp hai nước, trong đó có thể tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên đối với cả hai.

Kazakhstan luôn sẵn lòng thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam và mong muốn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở đất nước của chúng tôi trong nhiều lĩnh vực.

Cuối cùng, tôi muốn khẳng định Sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam luôn nỗ lực là cầu nối thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Điều đó được thể hiện thông qua nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác ở các cấp chính phủ và giữa doanh nghiệp hai nước.

Trong thời gian tới, Sứ quán sẽ hướng tới mục tiêu tham vọng hơn, đó là đưa mối quan hệ Việt Nam – Kazakhstan lên một tầm cao mới.

Xin cảm ơn ông!

Tôi có thể nói rằng, chính sách ngoại giao của Kazakhstan sẽ không thay đổi sau khi Tổng thống Nazarbayev từ chức ngày 19/3 vừa qua, đồng thời Kazakhstan sẽ tiếp tục tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.

Việc thay đổi tên thủ đô Astana (tiếng Kazakhstan là “thủ đô”) thành Nur-Sultan là một trong những quyết sách đầu tiên của tân Tổng thống Tokayev ngay sau khi ông nhậm chức. Đây là quyết định nhằm vinh danh nhà lãnh đạo Nursultan Nazarbayev sau những cống hiến to lớn của ông đối với đất nước. Một trong những thành tựu chính trị lớn của ông là việc đã đưa thành phố trở thành trung tâm tài chính và logistics của khu vực Á – Âu.

Hiện Nur-Sultan là thành phố lớn thứ hai tại Kazakhstan với hơn 1 triệu dân, cũng là thành phố đứng vị trí cao nhất trong số các thành phố ở khu vực Trung Á dựa trên chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu. Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như triển lãm EXPO 2017 và nhiều vòng đàm phán hoà bình nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria. 

Đại sứ Cộng hoà Kazakhstan tại Việt Nam – ngài Beketzhan Zhumakhanov

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần