Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Sức mạnh đại đoàn kết - bài học thời đại

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Chiến tranh đã lùi vào ký ức nhưng những bài học lịch sử quý báu trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn được người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế nhắc đến.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, 45 năm sau chiến thắng vĩ đại ấy, có rất nhiều bài học đến bây giờ vẫn còn giá trị thời sự, trong đó bài học lớn nhất chính là nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Bài học từ sự đoàn kết, sáng tạo
Về ý nghĩa của Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã có nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu cả trong nước và quốc tế đề cập. Với tư cách là người nghiên cứu lịch sử, theo ông đâu là yếu tố quyết định đến thắng lợi lịch sử trọng đại này?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thành quả của ý chí đoàn kết và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của toàn thể dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu cho ý chí đó và cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến chính là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ lại năm 1969, trong thư chúc Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hai câu thơ vừa là mệnh lệnh chiến đấu, vừa dự báo viễn cảnh niềm vui sum họp khi đất nước thống nhất: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào! Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”. Bằng Hiệp định Paris tháng 1/1973, chúng ta đã buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Bước thứ hai chính là đánh đổ chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thắng lợi này đã thể hiện được tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng thể hiện quyết tâm của toàn thể Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chịu rất nhiều hy sinh, gian khổ. Cuối cùng, miền Nam đã được giải phóng, non sông thu về một mối. Thời khắc lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 Xe tăng đang tiến vào Dinh Độc Lập trên đường Thống Nhất. Ảnh tư liệu
Đứng về góc độ nghiên cứu lịch sử, theo tôi để chiến thắng một kẻ thù lớn mạnh về quân sự cũng như về kinh tế như đế quốc Mỹ, nếu chúng ta lấy lực lượng ra so sánh thì không thể được, khi tương quan lực lượng về quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật của kẻ thù gấp chúng ta nhiều lần. Vì thế, chúng ta phải tạo nên sức mạnh tổng hợp, bắt nguồn từ lòng yêu nước của người dân, từ truyền thống đánh giặc của cha ông, từ đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của mọi người Việt Nam. Đây là sức mạnh của sự nghiệp chính nghĩa. Lúc đó, ai đi chiến đấu cũng nghĩ là vì đất nước nên có thể chấp nhận hy sinh. Với một đất nước, một dân tộc gan góc như thế thì không kẻ thù nào có thể đánh bại được.
Thực tế đã chứng minh như vậy. Chúng ta đã đánh bại được thế lực xâm lược lớn mạnh nhất của thời đại. Đây là thành quả của sự kết hợp sức mạnh tổng hợp trên các mặt trận chính trị, ngoại giao và huy động được lòng yêu nước, sự đoàn kết của toàn dân. Theo tôi, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn là chiến dịch được chuẩn bị bài bản nhất, lực lượng đông đảo nhất và đã giành chiến thắng vang dội nhất trong một thời gian ngắn nhất. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm đã kết thúc oanh liệt và hào hùng như vậy.
45 năm đã qua, nhìn lại những chiến công ấy, theo ông, đâu là những bài học để lại cho thế hệ hôm nay và cả thế hệ tiếp theo?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã chứng minh, khi “ý Đảng” hợp với “lòng dân” thì sẽ hội tụ được sức mạnh, làm cho “thế trận lòng dân” càng được phát huy cao độ, tạo nên cao trào cách mạng quyết tâm giành toàn thắng. Tôi nghĩ rằng, thế hệ hôm nay cần học bài học từ lịch sử, từ sự đoàn kết, đồng tâm, nhất trí, sáng tạo, quyết tâm chiến đấu để chiến thắng kẻ thù xâm lược, thì giờ đây là quyết tâm chiến đấu, chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu để đưa đất nước phát triển. Người Việt Nam bản chất rất năng động, thông minh, sáng tạo, nếu tạo được sự đồng tâm, nhất trí giữa lãnh đạo với quần chúng Nhân dân thì mọi việc đều có thể thực hiện tốt đẹp. Dựa được vào dân, thực hiện đúng khẩu hiệu của dân, do dân, vì dân thì tôi nghĩ không có việc gì mà chúng ta không thể vượt qua.
 PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Khi ý Đảng hợp với lòng dân
Nhìn từ thực tiễn, theo ông, những bài học đó, đặc biệt là bài học về tinh thần đại đoàn kết đang được vận dụng vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay thế nào?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Đúng như Bác Hồ đã nói: “Sự nghiệp cách mạng bắt đầu từ dân, cuối cùng cũng vì dân”. Đại đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc là bài học xuyên suốt tiến trình lịch sử từ khi Đảng thành lập cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đến kháng chiến chống Pháp rồi kháng chiến chống Mỹ và trong suốt quá trình Đảng tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay. Theo tôi, những bài học để giành thắng lợi trong chiến tranh của 45 năm trước, đang được Đảng vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới đất nước ngày hôm nay và đang cho thấy những kết quả đáng tự hào.
Đảng ta đã phát huy được sức mạnh, ý chí quyết tâm của người Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Đồng thời, vận dụng sáng tạo bài học đoàn kết, đó là đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết quốc tế, nhờ sự đoàn kết ấy chúng ta mới có những thành công trong sự nghiệp đổi mới. Năm 1986, bình quân thu nhập đầu người của người Việt Nam chỉ 120 USD, đến năm 2019, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người. Về chính trị, chúng ta đã tham gia thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và gần 200 nước đã đặt quan hệ ngoại giao với chúng ta. Đồng thời, chúng ta đã tham gia vào tất cả các tổ chức quốc tế lớn, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Vị thế và vai trò của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao.
Từ những thành quả đã có, điều quan trọng nhất hiện nay, theo tôi, Đảng phải tiếp tục phát huy, khơi dậy được khả năng sáng tạo của Nhân dân, đoàn kết và tạo nên sức mạnh của cả dân tộc. Mà muốn đoàn kết thì ý Đảng phải hợp với lòng dân, ý Đảng mà ngược với lòng dân hiệu quả công việc không đạt được. Tức là trong chủ trương, chính sách của mình, Đảng, Nhà nước phải có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tình hình quốc tế, phản ánh được mong đợi của người dân. Tức là Đảng, Nhà nước cần lắng nghe ý kiến phản biện của người dân, chọn lọc, tiếp thu đưa vào những quyết sách những gì tinh tuý có thể tiếp thu được, áp dụng được. Bởi lịch sử đã chứng minh bất kể sự kiện gì nếu không có sự tham gia của người dân, sự đồng thuận của người dân rất khó thực hiện. Do đó, phải biến khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành thực tiễn. Và phải thêm điều nữa là dân được hưởng, chứ chỉ biết, bàn, làm, kiểm tra mà không được hưởng cái gì thì thiếu hẳn một vế quan trọng. Đừng để khẩu hiệu đó chỉ là hình thức nữa mà nó phải thực chất.
 Đại lộ Thăng Long - phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Với “cuộc chiến” đang rất thời sự hiện nay là chống dịch Covid-19, ông đánh giá thế nào về việc phát huy tinh thần đại đoàn kết, “thế trận lòng dân” trong đẩy lùi dịch bệnh?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Sau 45 năm đất nước hòa bình lập lại, Đảng, Chính phủ ta lại mới dùng những từ “chống giặc” trong những văn bản chỉ đạo chính thức của mình. Với những gì diễn ra trong 3 tháng qua và đặc biệt là những ngày gần đây cho thấy những chủ trương, giải pháp của Việt Nam khi “đánh giặc” vô hình Covid-19 đang có hiệu quả và được quốc tế ghi nhận. Trong đó, theo tôi, quyết sách đúng đắn là chúng ta đã huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, cùng chung tay quyết chiến thắng đại dịch. Chính sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sức mạnh kiên cường.
Theo dõi dư luận tôi thấy, người dân từ hoang mang lo lắng, hoảng loạn, đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và an tâm tin tưởng hơn khi các giải pháp như khoanh vùng, cách ly, sàng lọc, điều trị tích cực được thực thi hiệu quả. Chính sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sự đồng thuận cao trên phạm vi toàn xã hội, thực sự là “ý Đảng - lòng dân” đã gặp nhau. Vì thế đã khơi dậy, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, đã hình thành nên “phong trào cách mạng” rộng rãi trong Nhân dân trên cuộc đấu tranh “chống dịch như chống giặc” này. Tôi thấy rất nhiều phong trào, tấm gương của tập thể, cộng đông và cá nhân đáng quý đã xuất hiện như chung sức, đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn, tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch… Đặc biệt, người dân đã chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch, tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc để chiến thắng dịch bệnh. Tôi tin rằng, với việc phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc một cách mạnh mẽ trong lúc đất nước gặp khó khăn này, chúng ta sẽ chiến thắng “giặc covid” trong một ngày không xa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần