Đại tướng Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920 - 1/12/2020), ngày 30/11, tại thành phố Huế, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế.”
Dự và phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh ngay từ khi còn trẻ, Đại tướng Lê Đức Anh đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước tại quê hương, tự học tập, tự giác ngộ về con đường cách mạng và đã nhanh chóng trưởng thành.
 Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam (1/5/1996). (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Từ một thanh niên yêu nước, Đại tướng sớm tiếp thu và đi theo con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khi vừa mới 18 tuổi.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tin tưởng giao phó nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt và ở cương vị nào đồng chí cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920, quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước.
Đại tướng sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến cảnh người dân sống cơ cực, lầm than dưới ách áp bức, cai trị của thực dân, phong kiến đã hun đúc trong đồng chí lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do dân tộc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tự nguyện dấn thân theo con đường đấu tranh cách mạng như bao người con của dân tộc cùng chí hướng, Đại tướng Lê Đức Anh đã bước vào một hành trình đầy chông gai, thử thách, hy sinh với niềm tin vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc.
Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung làm sáng rõ và khẳng định Đại tướng Lê Đức Anh là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh là một người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước; người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế.
 Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Tên tuổi, sự nghiệp của Đại tướng luôn gắn liền với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội.
Đại tướng có nhiều cống hiến quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh trên cương vị Chủ tịch nước (từ tháng 9/1992-tháng 12/1997), Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều công lao, cống hiến to lớn.
Về đối nội, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, quan tâm, chăm lo công tác chính sách đối với người có công, trong đó có ký công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh... kể từ đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước.
Về đối ngoại, Chủ tịch nước Lê Đức Anh có nhiều công lao trong xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thiết lập ngoại giao với nhiều nước trên thế giới, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu, với hơn 80 năm tham gia hoạt động cách mạng, 30 năm chỉ huy chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ, gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh là một người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc.
Là một vị tướng dày dạn trận mạc, có tầm nhìn chiến lược, xử lý linh hoạt trong mọi tình huống, đồng chí luôn có mặt trên các chiến trường ác liệt nhất, trong những thời điểm gay go nhất với nhiều trận đánh mang tính lịch sử, tạo ra những bước ngoặt lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đối với quê hương Thừa Thiên-Huế, Đại tướng luôn dành tình cảm đặc biệt. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng nhiều lần trở lại thăm Thừa Thiên-Huế và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xã hội.
Hội thảo là một hoạt động có ý nghĩa lớn và quan trọng, góp phần bổ sung những thông tin, tư liệu để khẳng định sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú của Đại tướng Lê Đức Anh; tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần