Đại tướng Văn Tiến Dũng: Người lĩnh xướng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà quân sự lỗi lạc, xuất sắc, quyết đoán trên mặt trận, nhưng lại tràn đầy nhân hậu trong cuộc sống, giản dị trong đời thường.

Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên tháng 3/1975.

Đó là nhận xét của Viện sỹ, Tiến sỹ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về Đại tướng Văn Tiến Dũng – vị tướng xuất chúng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đỉnh cao nghệ thuật “nghi binh”

Lực lượng vũ trang Thủ đô luôn trân trọng, ghi nhớ những tình cảm quan tâm đặc biệt của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong suốt quá trình xây dựng lực lượng, huấn luyện và chiến đấu, điển hình là bảo vệ an toàn tuyệt đối Hội nghị quân sự hai nước Việt - Pháp bàn về thực hiện Lệnh ngừng bắn (ngày 19/6/1954, ở Trung Giã, huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội); phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay của đế quốc Mỹ trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc và Thủ đô (1965 - 1967) và đặc biệt là đánh thắng chiến dịch hủy diệt Thủ đô Hà Nội của không quân Mỹ liên tục trong 12 ngày đêm, lập nên kỳ tích trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội (12/1972). Tháng 3/1984, kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Quân khu Thủ đô (1979 - 1984), nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Văn Tiến Dũng đến thăm và phát biểu chỉ đạo: “Phải ra sức học tập, quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự, kinh tế và các nghị quyết của Đảng... Xây dựng Quân khu Thủ đô trở thành Quân khu tiêu biểu, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Lời động viên căn dặn của Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Thủ đô tinh thần vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, TP giao.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

Ngô Thị Thanh Hằng 

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tổng Tham mưu trưởng lâu năm nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam (1953 -1978), từng đảm trách chỉ huy nhiều mặt trận quan trọng, chiến dịch lớn trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ở thế kỷ XX. Đặc biệt trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao nhiệm vụ đại diện Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên và sau đó là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, nằm trong đội hình của Quân đoàn 1 thực hiện một trong năm mũi tiến công giải phóng Sài Gòn. Thường xuyên được nghe chỉ đạo của Đại tướng trên mặt trận, càng thấy tài thao lược, khả năng dụng binh và nắm bắt tình hình thật xuất sắc của ông. Trước đó, trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975, cùng với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh, nghệ thuật sử dụng mưu kế đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch phát triển một cách sáng tạo. Bày mưu kế, lập thế trận và lựa chọn mục tiêu, cách đánh… là những phát triển nổi bật của nghệ thuật quân sự trong chiến dịch này. Ta chọn mục tiêu chủ yếu là Thị xã Buôn Ma Thuột - nơi hiểm nhưng yếu của đối phương. Để mục tiêu này càng “yếu” hơn, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức nghi binh điều địch lên hướng Bắc, đồng thời bí mật cơ động lực lượng lớn về hướng Nam, nhờ vậy ta đã tập trung ưu thế áp đảo ở nơi cần thiết, tạo yếu tố bất ngờ. Không chỉ vậy, ta còn bố trí thế trận hiểm, chia cắt chiến lược và chiến dịch, khiến các cụm quân của đối phương bị cô lập cao độ không thể ứng cứu cho nhau khi Buôn Ma Thuột bị ta tiến công cũng như không thể tổ chức phản công chiếm lại các vị trí đã mất. Từ đó buộc địch phải chấp nhận các tình huống ta dự kiến. Như do thế trận của quân ta, để phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột, địch chỉ còn một khả năng duy nhất là dùng trực thăng đổ bộ chiếm các vị trí có lợi trên Đường 21. Tại đây, quân ta đã bố trí sẵn sàng Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25, có nghĩa là địch đã rơi vào đúng kế, đúng ý định tác chiến của quân ta. Chiến dịch Tây Nguyên 1975 còn nổi bật ở nghệ thuật phát triển tiến công. Nắm thời cơ địch rút chạy, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy các lực lượng kịp thời và kiên quyết truy kích tiêu diệt, đưa đối phương đến thất bại thảm hại chưa từng có, tạo điều kiện thay đổi tương quan lực lượng và thế chiến lược, đưa cuộc chiến đến bước ngoặt quyết định.

Hạn chế tối đa thiệt hại cho dân

Trở lại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trước khi ra quyết định, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trăn trở rất nhiều: Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động, đập tan cả hệ thống tổ chức quân đội và chính quyền Sài Gòn từ T.Ư đến cơ sở, phá tan bộ máy chiến tranh…, nhưng lại phải đánh như thế nào để TP ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào mà không làm cho Nhân dân bị thiệt hại nhiều về tính mạng, tài sản và đảm bảo cuộc sống mau trở lại bình thường. Để giải quyết vấn đề này, với tầm nhìn chiến lược của một chỉ huy mưu lược, nhiều kinh nghiệm, Đại tướng cùng tập thể Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã phân tích vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện, cụ thể, tìm ra phương án tối ưu nhất, chọn ra 5 mục tiêu “trọng huyệt” của địch để nhanh chóng chiếm lĩnh trong thời gian ngắn nhất. Với tài thao lược của vị tướng đã từng chỉ huy các chiến dịch lớn, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tìm ra đáp án tối ưu. Trên cơ sở thế trận và lực lượng áp đảo, Đại tướng cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch đi tới nhất trí về cách đánh. Đó là dùng một lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy hoặc lùi dồn về Sài Gòn. Tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu chủ yếu đã được chọn lựa trong nội thành: Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát và Dinh Độc Lập. Các lực lượng đặc công, các đội biệt động, các lực lượng an ninh vũ trang và tự vệ TP, các lực lượng chính trị của quần chúng ở Sài Gòn - Gia Định sẽ đánh chiếm trước các cầu qua sông, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị, trừ gian và phát động quần chúng nổi dậy. Bộ chỉ huy Chiến dịch cũng xây dựng một kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ với tiến công quân sự. Lực lượng chủ lực tiến công hình thành 5 cánh, mỗi cánh tương đương một quân đoàn, do những tướng lĩnh có tài chỉ huy. Các mũi, các cánh sau khi đánh chiếm các mục tiêu và khu vực được phân công phải nhanh chóng đến hợp điểm ở Dinh Độc Lập.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng hỏi thăm sức khỏe phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Sau nhiều ngày đêm làm việc căng thẳng kể từ khi Đại tướng Văn Tiến Dũng từ Tây Nguyên vào đến Bộ Tư lệnh Miền, ngày 26/4, tiếng súng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nổ ở hướng Đông. Trong hai ngày đêm của Chiến dịch (27 và 28/4/1975) các cánh quân của ta đã thực hiện theo đúng kế hoạch, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích vào nội thành trên toàn mặt trận vào sáng ngày 29/4/1975. Pháo tầm xa đặt ở Nhơn Trạch bắn hơn 300 viên xuống Sân bay Tân Sơn Nhất làm rung chuyển cả đường phố Sài Gòn; các binh đoàn thọc sâu chiếm năm mục tiêu quy định. Cuộc di tản của Mỹ bằng máy bay lên thẳng trên sân thượng các nhà cao tầng rất hỗn loạn. Maxtin, đại sứ Mỹ vội vàng lên trực thăng bay ra tàu chiến trên biển Đông thoát thân, đánh dấu thảm bại của đế quốc Mỹ sau 30 năm can thiệp và trực tiếp xâm lược Việt Nam.

Diễn biến trận quyết chiến chiến lược đã diễn ra gần đúng như đáp án của Đại tướng Văn Tiến Dũng, các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm thành công các mục tiêu. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Sài Gòn báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Trên mặt trận, ông hết sức nghiêm khắc, mẫu mực, với nhiều chiến công lừng lẫy như vậy, nhưng trong đời thường sống giản dị, thân yêu cán bộ chiến sỹ như “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” – Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhắc đi nhắc lại như vậy về Đại tướng Văn Tiến Dũng khi kết thúc câu chuyện với chúng tôi để bày tỏ sự ngưỡng mộ về vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Văn Tiến Dũng, bí danh Lê Hoài, sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) TP Hà Nội. Từ năm 1936, mới 19 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng, làm công nhân cho các xưởng dệt ở phố Hàng Đào và phố Hàng Bông, tham gia tích cực vào phong trào dân chủ và các cuộc đấu tranh công khai của công nhân TP Hà Nội. Tháng 12/1936, với vai trò là nòng cốt, đồng chí đã lãnh đạo, tổ chức công nhân ở các xưởng dệt Thanh Văn (phố Hàng Đào), xưởng dệt Đức Xương Long và xưởng dệt Cự Chung (phố Hàng Bông) bãi công, đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện sinh hoạt cho công nhân. Tháng 11/1937, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trải qua hơn 65 năm hoạt động cách mạng liên tục, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành qua các chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc và của Thủ đô Hà Nội, đồng chí là một trong những tướng lĩnh chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội ta, là một nhà chiến lược, một người lãnh đạo quân sự tài ba của Đảng, đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược và nền khoa học, nghệ thuật Quân sự của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, là một nhà lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng và đất nước ta.


Trên một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng kiên cường, trong đó có trên 8 năm (1936 - 1944) trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân TP Hà Nội và nhiều năm là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Quân đội, sống và làm việc ở địa bàn Hà Nội, Đại tướng Văn Tiến Dũng thực sự là tấm gương sáng của người cộng sản trung kiên, bất khuất, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân; một công dân Thủ đô ưu tú, mẫu mực, luôn gần gũi, thân thiết, gắn bó với Nhân dân. Nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội, như xã Trung Mầu (Gia Lâm), Cổ Loa (Đông Anh), Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh (Từ Liêm), An Mỹ, Bột Xuyên (Mỹ Đức), Hòa Xá (Ứng Hòa), nhất là Vùng An toàn khu của T.Ư và Xứ ủy Bắc Kỳ ven Hà Nội không bao giờ quên hình ảnh của đồng chí những năm tháng sâu sát với quần chúng Nhân dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng các cơ sở cách mạng; bồi dưỡng giáo dục, rèn luyện được nhiều cán bộ, quần chúng cách mạng ưu tú để kết nạp vào Đảng.


Do công lao và thành tích to lớn đối với cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, nhiều Huy hiệu, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước ta và một số nước trao tặng. TP Hà Nội đã đặt tên một con đường lớn, mang tên “Văn Tiến Dũng”, tại quận Bắc Từ Liêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần