Đắk Lắk: Trồng, chế biến cà phê cao cấp với hương vị riêng

Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển một phân khúc thị trường với chất lượng cao hơn và tương đương với cái thừa nhận chung của thế giới về cà phê đặc sản. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá giá trị cà phê đặc sản sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho dòng sản phẩm cà phê cao cấp này...

Đó là những chia sẻ của ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đang diễn ra từ ngày 9 đến 16/3.
Hiện tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, với hơn 200.000ha. Với hơn 120.000ha được bà con sản xuất theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, trong đó có hơn 17.000ha thuộc vùng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, với sản lượng hơn 47.000 tấn mỗi năm. Đây là tiềm năng để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển cà phê đặc sản trong tương lai.
 Đắk Lắk hướng đến phát triển cà phê đặc sản
Ông Nguyễn Hải Ninh - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định: "Một trong những hoạt động quan trọng để quảng bá, phát triển cà phê đặc sản lần này là Hội thảo "Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam". Trên thực tế, hiện cà phê đặc sản đang là sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới; đồng thời, với việc phát triển cà phê đặc sản cũng là cách thức tạo giá trị cao nhất cho cây cà phê và mang lại lợi ích tốt nhất cho người nông dân trồng cà phê.
Ngoài ra, thông qua Lễ hội cà phê lần này, Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh quảng bá cho thế giới biết rằng Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng có trồng, chế biến loại cà phê cao cấp với hương vị riêng biệt, theo tiêu chuẩn quốc tế".
Trong dịp này, các đại biểu và chuyên gia cũng đã chia sẻ, làm rõ hơn khái niệm nội hàm và giá trị của cà phê đặc sản, nhiều đại biểu cho biết, đây là lần đầu cà phê đặc sản được nhắc đến tại một kỳ lễ hội, và cũng là sản phẩm mới xuất hiện trong 2 mùa cà phê gần đây, song cà phê đặc sản đang được ví như làn sóng cà phê thứ 3 và trở thành sân chơi giành cho những người đam mê cà phê trên cả nước. Không đơn thuần là tạo nên sự độc đáo từ khâu rang xay hay pha chế, sự khác biệt của cà phê đặc sản thể hiện từ yếu tố thời tiết, khí hậu vùng sản xuất, đến khâu đầu tư chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế của người nông dân, cuối cùng mới đến công đoạn rang xay, pha chế.
Theo ông Trần Phi Hùng - Chuyên gia thử nếm cà phê, cà phê được gọi là "đặc sản" là loại cà phê đạt 80 điểm trở lên theo thang điểm 100 của Hiệp hội Cà phê đặc sản Hòa Kỳ. Thang điểm này được xây dựng theo nhiều tiêu chí, trong đó có các yếu tố liên quan đến thổ nhưỡng, mùi hương, độ chua, ngọt, chất lượng hạt và phương thức chế biến.
 Hội thi ''Nhà nông đua tài'' là một trong những chương trình giúp người dân hiểu hơn về quy trình trồng, chế biển cà phê có chất lượng.
"Việc sản xuất cà phê đặc sản phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch và đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tốn kém chi phí chăm sóc, nhưng đổi lại giá bán được doanh nghiệp thu mua khá cao", ông Lê Anh Tiến, một người trồng cà phê với nhiều năm kinh nghiệm ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết.

Trước đó, trong 2 niên vụ cà phê 2015 - 2016 và 2016 - 2017, tỉnh Đắk Lắk đã gửi 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột để các chuyên gia thử nếm đánh giá về chất lượng. Kết quả, có hơn 10% mẫu cà phê đạt điểm số thử nếm từ 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. Trên cơ sở đó, những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được định hướng và hỗ trợ sản xuất cà phê đặc sản.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2018, tỉnh này xây dựng đề án về phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 tổ chức liên kết với nông dân sản xuất cà phê đặc sản, có truy xuất nguồn gốc xuất sứ. Sản lượng thu hoạch năm 2018 là hơn 1.000 tấn và được xuất khẩu theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần