Đảm bảo an toàn cho không gian công cộng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn là chỉ số quan trọng của không gian công cộng. Trong vòng vài thập niên trở lại đây đã có nhiều cố gắng nghiên cứu giải quyết vấn đề an toàn của không gian công cộng. Do vấn đề mang tính đa ngành, có nhiều cách hiểu khác nhau.

 Dưới đây là những phân tích của KTS Nguyễn Thanh Bình – Hội KTS Việt Nam về tính an toàn trong không gian công cộng dưới góc nhìn kiến trúc quy hoạch, nhằm xác định các quan điểm kiến trúc quy hoạch cơ bản có tác dụng nâng cao tính an toàn của không gian công cộng, được rút ra từ bài học thực tế của nhiều đô thị tại Châu Âu.

Hạn chế ảnh hưởng của phương tiện cơ giới

Giao thông cơ giới là thành tựu của thế kỷ 20 nhưng nó cũng làm thay đổi phương thức sống. Đô thị từ vai trò dành cho người đi bộ trở thành phục vụ xe cộ. Đường ô tô, parking, đường cao tốc, các khu mua bán tập trung, các khu ở xa trung tâm ngày càng nhiều, diện tích dành cho xe cộ ngày càng lấn át diện tích cho người đi bộ.

Theo KTS Nguyễn Thanh Bình, ảnh hưởng tiêu cực của giao thông cơ giới đến đời sống công cộng được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định. Cường độ giao thông cơ giới tỷ lệ nghịch với các hoạt động giao tiếp và sử dụng không gian công cộng hai bên đường. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy sự nguy hiểm của xe cơ giới khiến cha mẹ lo lắng đến nỗi không cho phép con cái đi bộ đến trường, cuối cùng càng làm tăng thêm cường độ giao thông.
  Tạo giải pháp cho người khuyết tật tại các không gian cộng cộng là một trong những vấn đề cần được quan tâm (Hình ảnh là đường dành cho người khuyết tật xuống bãi biến tại TP Đà Nẵng)
Ngay từ những năm 1930, người Anh và Mỹ đã nhận ra tác hại do bụi bặm và tiếng ồn của xe cộ đối với người đi bộ. Trong thiết kế của một số khu ngoại ô các KTS đã áp dụng mô hình “ngõ cụt” để xe cộ vào nhà từ phía sau, không gây ảnh hưởng đến lối đi bộ trước mặt. Dù mô hình trên được giảm được lưu lượng giao thông cơ giới, nhưng quan điểm lo ngại cho rằng dây là hình thức tách rời một khu vực ra khỏi xã hội, sẽ ít được xã hội quan tâm bản vệ, và do đó sẽ còn dễ bị xâm hại hơn các khu vực khác. Dù vậy, ở nhiều nước cấu trúc mạng lưới đường theo mô hình “ngõ cụt” nhằm hạn chế số nút giao cắt và lưu lượng giao thông cơ giới trong các khu ở ngoại ô đã có những bước tiến đáng kể.

Ở một số nơi tại châu Âu ngay từ năm 1969, một số đường phố trong khu ở được xác định là home zone (khu nhà ở) để hạn chế hoạt động của xe cơ giới. Mô hình này được sử dụng nhiều nhất ở Hà Lan.

Giải pháp cho phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em và thiếu niên

Cũng theo KTS Nguyễn Thanh Bình, phụ nữ là đối tượng dễ bị xâm hại bằng lời nói hay bạo hành ở những nơi công cộng. Không gian công cộng vì thế cần có những thay đổi bổ sung để phụ nữ có thể kiểm soát được môi trường xung quanh và phát hiện sớm các nguy hiểm.

“Tại Canada và châu Âu, đã hình thành những phong trào phụ nữ tham gia phát hiện, ghi lại những khu vực mất an toàn trong không gian công cộng để giúp chính quyền bổ xung các biện pháp tăng cường an ninh.. Tại Đài Loan, phụ nữ còn tổ chức các buổi hoạt động rầm rộ đề nghị chính quyền có các giải pháp thiết kế nhà vệ sinh công cộng an toàn hơn” KTS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Đối với người khuyết tật, chính quyền đô thị tại châu Ân cố gắng làm không gian công cộng dễ sử dụng, phù hợp, và an toàn hơn với đặc điểm của những đối tượng khiếm thị, khiếm thính, hay sử dụng xe lăn. Lối đi bộ thường được lát gạch đặc biệt để chỉ hướng đi cho người khiếm thị, tại vị trí các lối sang đường đều có đánh dấu bằng gạch lát đặc biệt. Nút bấm sang đường có tín hiệu rung và âm thanh hỗ trợ cho người khiếm thính và khiếm thị. Tại các nơi lên xuống vỉa hè đều có lát gạch chống trượt và dốc lên cho người đi xe lăn, xe đẩy, hoặc xe nôi. Nói chung các giải pháp này khá thông thường và được đề cập đầy đủ trong các quy chuẩn thiết kế.

Đối với nhóm thiếu niên, trong một nghiên cứu ở Scotland cho thấy trẻ em và thiếu niên thích chơi ở những nơi thể hiện cuộc sống xã hội hơn là những nơi được thiết kế xây dựng một cách nhân tạo cho các đối tượng này.Cửa hàng, đường phố, những nơi có các đồ vật lạ mắt như nơi chứa lốp xe hỏng, gốc cây chết, lại là các địa điểm gây sự tò mò chú ý của các đối tượng này.

“Để vừa đáp ứng nhu cầu chơi và khám phá của lứa tuổi này, ở Mỹ đưa ra giải pháp là tổ chức các sân chơi nhỏ mang tính khám phá ngay cạnh đường phố hay các khu mua sắm. Các sân này bao gồm nhiều vật liệu rời như cát, lốp xe, sỏi, nước. Tuy nhiên, giảm thiểu sự có mặt của xe cơ giới nơi có sân chơi của trẻ em và thiếu niên vẫn là giải pháp cơ bản nhất đảm bảo an toàn cho các đối tượng này” KTS Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần