Đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp Tết

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Tân Sửu đã cận kề, đây cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng tiền mặt cũng như các giao dịch tiền qua hệ thống các ngân hàng của người dân tăng cao.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.
Nhu cầu tăng lên

Trên thị trường liên ngân hàng, tuần qua, lãi suất VND đã tăng vọt. Cụ thể, theo ghi nhận từ thành viên tham gia thị trường, trong tuần từ 25 - 29/1, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 29/1, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức qua đêm 0,33% (tăng 0,17 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 0,52% (+0,32 điểm); 2 tuần 0,68% (+0,40; 1 tháng 0,84% (+0,38). Như vậy, với các mức mới nói trên, lãi suất VND đã tăng khoảng gấp đôi trên thị trường liên ngân hàng. Điển hình như lãi suất VND qua đêm trước đó (loại tập trung khối lượng giao dịch lớn nhất) chỉ xoay quanh 0,17%/năm; hoặc trong năm 2020 từng kéo dài quãng ổn định quanh 0,15%/năm, thậm chí chỉ 0,1%/năm hồi quý III/2020.
 Người lao động rút tiền từ cây ATM tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Với biến động mạnh của lãi suất VND liên ngân hàng nói trên, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu bước vào mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm, cận Tết Nguyên đán. Đây là yếu tố mùa vụ và thường nhanh chóng bình ổn sau Tết, khi dòng tiền quay trở lại hệ thống NHTM.

Nhu cầu vốn cuối năm bao giờ cũng tăng cao do hoạt động sản xuất hàng hóa Tết tăng cao và các nhà xuất khẩu cần một lượng tiền lớn để thanh toán các hợp đồng đến hạn. Đây là những vấn đề các ngân hàng dự báo được. Tuy nhiên nhiều hoạt động kinh tế phát sinh buộc các ngân hàng phải có phương án chuẩn bị lượng tiền mặt cho phù hợp với thực tế để không xảy ra thừa thiếu cục bộ.

Cung ứng đủ tiền mặt dịp Tết Tân Sửu

Theo NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, thời điểm này ngân hàng đã thực hiện công tác cung ứng tiền mặt phục vụ Tết cho các TCTD. Từng TCTD sẽ phải lập kế hoạch nhu cầu tiền mặt phục vụ Tết Tân Sửu 2021. Tiền của ngân hàng đang “chảy” khá thực chất vào sản xuất, kinh doanh của cá nhân, DN, hộ kinh doanh… Tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tháng 1/2021 đạt 2.213 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng đang từng bước tăng trưởng, đây là tín hiệu tích cực so với những tháng đầu năm 2020.

Riêng đối với hệ thống ATM, Ngân hàng Nhà nước TP đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn nâng cao chất lượng các dịch vụ, chủ động bố trí cán bộ trực 24/24 giờ vận hành hệ thống kỹ thuật, đảm bảo hoạt động các giao dịch thanh toán thẻ ATM/POS an toàn, thông suốt… Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Là một trong những ngân hàng có lượng khách hàng DN lớn, đảm bảo cung ứng vốn cuối năm, Vietcombank cho biết, nguồn vốn của đơn vị hiện đang rất dồi dào, sẵn sàng đáp ứng các dự án kinh doanh khả thi. Phía Vietcombank đã chuẩn bị các kịch bản về thanh khoản để đảm bảo cung ứng vốn cho các DN trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều NHTM như Vietinbank, SHB, MB, LienVietPostbank, Agribank… đưa ra các chương trình tín dụng với lãi suất thấp và ưu tiên lãi suất đối với khách hàng truyền thống, mở các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng mua sắm, tiêu dùng.

Đại diện BIDV cho biết: “Cuối năm nhu cầu khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với việc độ rủi ro cũng cao hơn. Do đó BIDV cũng bố trí, tăng cường công tác an ninh chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng”. Đại diện Agribank chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu rút tiền của các khách hàng. Đặc biệt với hoạt động chuyển tiền và rút tiền ở ATM các chi nhánh luôn đảm bảo đầy đủ 24/7”.

Tết Nguyên đán đến gần, nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân sẽ tăng, tuy nhiên các ngân hàng cũng khuyến cáo, khách hàng khi rút tiền mặt với số lượng lớn cần đến phòng giao dịch để được giải quyết nhanh chóng. Trong các ngày cận Tết, các ngân hàng vẫn mở cửa một số phòng giao dịch để phục vụ nhu cầu giao dịch, người dân có thể đến rút tiền, hoặc gửi tiết kiệm và chuyển khoản như những ngày làm việc thông thường. Các ngân hàng cũng cảnh báo dịp cuối năm và Tết cũng là cơ hội để hoạt động lừa đảo hoặc đánh cắp thông tin khách hàng khi giao dịch, mua bán trực tuyến. Do đó, cảnh báo khách hàng về các biện pháp phòng tránh rủi ro, lừa đảo khi giao dịch trực tuyến; đồng thời tăng cường xử lý các trường hợp đổi tiền lẻ, thu phí trái quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần