Đảm bảo quyền lợi của hành khách trong quản lý hoạt động xe taxi

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy chế của UBND TP về “Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh chủ trì hội nghị.

  Toàn cảnh hội nghị
Theo báo cáo của Sở GTVT, mô hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi xuất hiện tại Hà Nội từ năm 1993. Sau hơn 20 năm phát triển đến nay số lượng phương tiện taxi lên tới trên 19.200 xe của 74 DN. Ba năm gần đây, hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đã vận chuyển trung bình trên 100 triệu lượt hành khách, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Dương Cao Thanh cho rằng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh vận tải, quản lý Nhà nước đã kịp thời hoàn thiện các thể chế quản lý. Đến nay, hoạt động vận tải hành khách bằng taxi đang bộc lộ nhiều bất cập, chất lượng cung ứng dịch vụ thấp, chất lượng xe, chất lượng lái xe, quản trị DN… chưa tạo ra được hình ảnh văn minh, văn hóa trong nếp sống, đi lại của Thủ đô.

“Với những bất cập trên cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ mới và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành, vận tải hành khách bằng taxi đòi hỏi quản lý Nhà nước cần có một quy định quản lý để hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đáp ứng yêu cầu khách quan của phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại”, ông Dương Cao Thanh nói.

Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng việc ban hành quy chế cần phải đi theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý taxi, tạo thuận lợi cho taxi, đồng thời phải xem xét lợi ích đầy đủ của các bên liên quan.

Theo TS Đinh Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc gia hạn, quy định màu sơn chung, quy định quyền khai thác kinh doanh dịch vụ bằng taxi bằng hình thức đấu giá… cần đánh giá lại một cách nghiêm túc trên cơ sở thống nhất làm rõ mục đích, yêu cầu và quan điểm của việc ra quy chế.

“Đối với hành khách đi xe taxi, chủ thể chính và quan trọng nhất, là người cần được phục vụ, quan tâm đầu tiên thì cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất, được đưa đón an toàn “đi đến nơi, về đến chốn”, nhất là đối với người tàn tật, người già yếu, trường hợp cấp cứu, đi bệnh viện… với giá hợp lý nhất”, ông Đinh Hạnh nhấn mạnh.

Về việc đảm bảo tính cạnh tranh giữa các hãng taxi, theo ông Tô Huy Tuấn, Nguyên Phó Giám đốc Sở QHKT TP cho rằng nếu quy định màu sơn các xe taxi thống nhất giống nhau sẽ làm mất đi tính cạnh tranh giữa các hãng. “Có lẽ chỉ nên thực hiện màu sơn nền thống nhất, còn các màu nhận diện thương hiệu thì vẫn nên làm”, ông Tuấn gợi mở.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến phản biện không nên quy định phân vùng hoạt động các xe taxi; điểm dừng đỗ trả khách của xe taxi bởi điều này chưa phù hợp với thực tiễn.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Vũ Hồng Khanh khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Quy chế. “Quy chế nên được xây dựng trên quan điểm hệ thống lại để thể hiện sự coi trọng lợi ích trách nhiệm của các chủ thể, nhất là chủ thể khách hàng; tập trung cải cách hành chính, giảm cơ chế “xin cho”, thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung, phát triển taxi theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của hành khách”, ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, các văn bản ban hành đều đảm bảo không trái các quy định của pháp luật, tăng tính quy phạm, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thực hiện. Làm rõ hơn việc giải thích từ ngữ như “phân vùng”, “trung tâm”; làm lộ trình để thực hiện thống nhất màu sơn; thời gian đỗ; điểm đỗ công cộng…