Đảm bảo trật tự an toàn giao thông: “Nóng” tai nạn liên quan đến ô tô

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/1, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Tại Hội nghị, các đại biểu nhận định tình hình trật tự ATGT trong năm 2016 vẫn tiếp tục được kiềm chế. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% số người thương vong do TNGT so với năm 2010 là nhiệm vụ không hề đơn giản.
Hơn 27% số vụ tai nạn do ô tô
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, tính từ 16/12/2015 – 16/12/2016, toàn quốc đã xảy ra 21.589 vụ TNGT, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ giảm 1.261 vụ, giảm 43 người chết, giảm 1.792 người bị thương. Tuy nhiên, mục tiêu giảm tỷ lệ người tử vong do TNGT từ 5 - 10% chưa hoàn thành, trong các tháng như 5, 6, 8, 11, 12, số người tử vong do TNGT tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tỷ lệ TNGT liên quan đế xe ô tô, do lái xe ô tô gây ra vẫn ở mức cao. Cụ thể, mặc dù số lượng xe ô tô chỉ chiếm 6% tổng số phương tiện cơ giới nhưng số vụ TNGT lại chiếm hơn 27%.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại đầu cầu Hà Nội.

Đồng tình với đánh giá trên, đại diện Ban ATGT tỉnh Hải Dương cho biết, trong những năm qua, mặc dù địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên, khi tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào hoạt động, lưu lượng phương tiện tăng cao, đặc biệt là các xe tải trốn trạm thu phí đi vào các tuyến tỉnh lộ khiến TNGT gia tăng. Để đảm bảo trật tự ATGT, lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các đơn vị có chức năng kiềm chế tốc độ gia tăng của các phương tiện cá nhân, nhân rộng mô hình xử phạt bằng camera. Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có liên quan giảm mức thu phí BOT trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cùng với đó nhanh chóng xây dựng làn đường dừng khẩn cấp trên đường cao tốc để tránh xảy ra những tai nạn không đáng có như trong thời gian qua.
Trong khi đó, ở một góc độ khác, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho biết, hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn đều là các phương tiện ở nơi khác đến, lái xe thiếu kinh nghiệm khi di chuyển trên địa bàn. Do đó, để đảm bảo trật tự ATGT, đề nghị Sở GTVT các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện tại khu vực đường đèo cho các lái xe thường xuyên di chuyển qua địa bàn tỉnh.
Siết chặt công tác đào tạo lái xe
Liên quan đến những bất cập của hạ tầng giao thông khiến TNGT tăng cao, đặc biệt là đối với xe ô tô, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các địa phương và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương giải quyết. Tuy nhiên, theo ông Thọ, để giảm thiểu TNGT theo kế hoạch đã đề ra, các địa phương cần tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết, chỉ thị về công tác đảm bảo trật tự ATGT. Bởi thực tế cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác này thì TNGT có cải thiện. Cùng với đó, đề nghị Văn phòng Ủy ban ATGT nên tập hợp các mô hình, cách làm hay trong công tác đảm bảo trật tự ATGT để các địa phương khác học tập.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã biểu dương những nỗ lực của các địa phương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt những bất cập như: Còn xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng đến xe khách, phương tiện thủy, chưa xử lý dứt điểm được tình trạng chở quá hàng quá tải, kinh doanh không giấy phép… Thậm chí, đề cập đến việc gia tăng các vụ TNGT liên quan đến xe ô tô, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, phải chăng TNGT liên quan đến xe ô tô tăng là do bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, hệ thống biển báo, sơn kẻ vạch chưa đảm bảo?
Để hoàn thành mục tiêu giảm TNGT từ 5 – 10% trên cả 3 tiêu chí và cải thiện UTGT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT; rà soát hoàn thiện thể chế về đảm bảo trật tự ATGT, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ. Trong đó, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát. Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng vận tải đường bộ, chú trọng phát triển vận tải hành khách công cộng trong đô thị và vận tải kết nối các đô thị trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, các khu công nghiệp và cụm dân cư.
Hà Nội quyết tâm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông
Sáng 4/1, Lễ ra quân thực hiện Năm ATGT 2017 tại Hà Nội đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Năm ATGT 2017 do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động với trọng tâm “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” và mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Năm 2017, Hà Nội quyết tâm tiếp tục kiềm chế giảm từ 5 - 10% TNGT so với năm 2016 trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm tối thiểu 5% TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Để thực hiện mục tiêu đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng xây dựng kế hoạch cụ thể, cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ, tích cực, đồng bộ; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành TP trong việc đảm bảo trật tự, ATGT, giảm UTGT, TNGT trên địa bàn TP. Bám sát trọng tâm của Năm ATGT 2017, Hà Nội cần tập trung nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, TP yêu cầu Sở GTVT cùng các ban, ngành đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục giảm UTGT, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra UTGT kéo dài trên 30 phút. (Đặng Sơn)

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Hà Nội triển khai hệ thống xe buýt nhanh BRT. Để buýt BRT vận hành hiệu quả, yêu cầu TP Hà Nội tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT phục vụ hoạt động của các xe buýt nhanh như những gì đã làm được trong việc điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến tại các bến xe ở Thủ đô. Trong đó, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gây cản trở cho xe buýt BRT hoạt động.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia  Trương Hòa Bình
Năm 2016, Hà Nội dù giảm được 144 vụ TNGT, giảm 8 người chết, giảm 125 người bị thương so với cùng kỳ nhưng kết quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Do đó, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Đẩy nhanh tiến độ công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, duy tu, duy trì đảm bảo trật tự ATGT. Bên cạnh đó, TP sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt là chở hàng quá tải.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội  Nguyễn Quốc Hùng