Đầm Hồng bị “bức tử”, bao giờ giải quyết?

Thái San
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Gần đây, dư luận báo chí và người dân bức xúc về tình trạng đất đai, phế thải tập kết khu vực xung quanh Đầm Hồng (hồ Khương Trung 1), quận Thanh Xuân.

Vấn đề này đã được lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội trực tiếp đi thực tế kiểm tra, làm việc vào chiều 30/5, nhưng hiện chưa có thời hạn để giải quyết.

Lãnh đạo chính quyền địa phương, các sở, ngành kiểm tra việc tập kết đất đai, phế thải xung quanh khu vực Đầm Hồng chiều 30/5.  Ảnh: Thái San

Dự án cải tạo Đầm Hồng do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, giao cho Ban QLDA thoát nước Hà Nội (nay là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội) thực hiện từ năm 2010 đến nay, nhưng vẫn chưa bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Xung quanh khu vực Đầm Hồng, tình trạng đất đai, phế thải tập kết khiến lòng đường bị thu hẹp, môi trường sống và sinh hoạt của người dân quanh khu vực bị ô nhiễm.

Tại buổi làm việc chiều 30/5, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, khu vực Đầm Hồng nhiều ngõ ngách, đường vào khó khăn nên khó bố trí phương tiện đi vào. Trước đây, chính quyền đã có văn bản thỏa thuận, sau khi thi công xong, cho phép đơn vị thi công, chủ đầu tư tập kết phế liệu, phế thải vào bãi đất khu vực giáp ranh với phường Định Công (quận Hoàng Mai), sau đó di dời. Tuy nhiên, khu vực xung quanh hồ Đầm Hồng, ở ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch, giáp ranh nghĩa trang phường Khương Đình đã tạo thành mặt bằng gây ô nhiễm môi trường, một số hộ dân xây nhà, đã đổ phế liệu vào đó.

Ông Nguyễn Chính Tâm, cán bộ Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội, nguyên phụ trách công trình cũng thừa nhận, khu vực này phức tạp, nhà thầu cam kết sẽ di chuyển phế liệu, phế thải đi, tuy nhiên có hiện tượng các hộ dân đổ trộm vào nên gặp khó khăn.

Trong khi đó, theo ông Vũ Quang Trung - Chủ tịch UBND phường Khương Đình, việc đổ trộm phế thải, chính quyền và công an phường đã vào cuộc quyết liệt. Lối vào ngõ 207, phường đã làm chốt chặn, cử tổ dân phố trực kiểm tra nên khối lượng đất đai, phế liệu các hộ dân chở bằng xe ba gác đổ vào không nhiều. Tại khu vực này, đất đai, phế thải do đơn vị thi công múc lên làm nơi trung chuyển tạm, chính quyền mong đơn vị thi công thực hiện cam kết, sớm di chuyển đất đai, phế thải. Sau đó, phường sẽ rào lại khu vực này tránh tình trạng đổ trộm phế thải gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai.

“Nếu phía đơn vị thi công không sớm di chuyển đất đai, phế thải, người dân ở xung quanh Đầm Hồng cải tạo nhà cửa, thấy khu vực này bừa bộn, sẽ có cơ hội đổ phế liệu vào đây” - Thượng tá Nguyễn Văn Chiến - Trưởng Công an phường Khương Đình cho biết.

Mặc dù lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, đại diện Sở Xây dựng, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế xung quanh khu vực Đầm Hồng, cùng ngồi bàn thảo, làm việc trong buổi chiều 30/5, nhưng do vắng lãnh đạo Sở Xây dựng, nên vẫn chưa có thời hạn để giải quyết. Đầm Hồng bị “bức tử”, bao giờ giải quyết vẫn còn bỏ ngỏ. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, sẽ sớm báo cáo TP về vấn đề này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần