Đam mê chắp cánh thành công

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa sân trường đầy nắng vàng của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) ngày cuối tháng 3, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với hai học sinh là chủ nhân của Dự án “Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ” - một trong 12 Dự án đạt giải Nhất tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học.

 Nguyễn Nguyệt Minh và Vũ Đức Minh cùng thầy cô, gia đình sau lễ trao giải. Ảnh: Điệp Quyên
Ý tưởng đến từ sự quan sát

Tác giả của Dự án đó là hai học sinh xuất sắc của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành gồm: Nguyễn Nguyệt Minh (lớp 10A1) và Vũ Đức Minh (lớp 10N1). Một Đức Minh rụt rè, nhút nhát và một Nguyệt Minh sắc sảo, bản lĩnh nhưng cả hai đều có niềm đam mê cháy bỏng là nghiên cứu khoa học. Cả hai đã có một sự kết hợp ăn ý, đoàn kết và thống nhất trong suốt quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án.

Được biết đến các cuộc thi khoa học kỹ thuật từ cấp II, với lòng đam mê khoa học, đặc biệt là hóa học và dược liệu, Nguyệt Minh luôn ấp ủ cho mình những kế hoạch, ý tưởng riêng. Qua tương tác, trao đổi với mẹ - một bác sĩ giàu kinh nghiệm, cô nữ sinh Nguyệt Minh luôn thắc mắc về việc làm thế nào để giảm thiểu được tác hại của thuốc đối với người sử dụng và làm sao để người bệnh sau điều trị, cơ thể không thấy mệt mỏi bởi tác dụng phụ của thuốc nữa. Nguyệt Minh đã trao đổi với người bạn cùng CLB Khoa học là Đức Minh và nhận được sự hưởng ứng từ bạn. Hai em đã gặp thầy Trần Minh Đức – giáo viên phụ trách CLB Khoa học trường Nguyễn Tất Thành để trao đổi kỹ về mong muốn làm nghiên cứu. Thầy trò cũng tìm hiểu và đi đến nhận định: Các triệu chứng phụ khi sử dụng thuốc mà bệnh nhân mắc bệnh nan y gặp phải thường do thuốc bị phân tán khắp nơi trên cơ thể và nồng độ thuốc không được duy trì ổn định trong ngưỡng điều trị cho phép gây độc hoặc không có hiệu quả điều trị bệnh. Từ đây, thầy trò quyết định ý tưởng nghiên cứu về việc kiểm soát tốc độ phân giải thuốc, giúp thuốc được phân giải theo yêu cầu để việc sử dụng thuốc sẽ hiệu quả hơn cho người bệnh.

Bắt đầu từ tháng 8/2020, thầy cô đã hướng dẫn hai học sinh tìm hiểu để lựa chọn vật liệu nghiên cứu từ các vật liệu thân thuộc, dễ làm, dễ đánh giá, chi phí thấp và gắn với những kiến thức phổ thông. Dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, hai học sinh đã tìm được các phương pháp để tổng hợp, đánh giá tính chất và hiệu quả ứng dụng của vật liệu. Nghiên cứu này khá đơn giản nhưng thú vị vì khai thác được các vật liệu có sẵn (oxit sắt, tảo biển, thuốc Becberin) để tìm ra phương thức điều khiển quá trình phân giải thuốc theo mong muốn dựa trên các kiến thức vật lý, hóa học, sinh học đã được học ở bậc phổ thông với những phương tiện nghiên cứu đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp. Công việc nghiên cứu được phân công rõ ràng dựa trên thế mạnh của từng người: Đức Minh làm thí nghiệm, chế tạo còn Nguyệt Minh nghiên cứu và xử lý dữ liệu.

Học được nhiều hơn từ thành công

Sau khi trải qua phần thi cấp quốc gia, Đức Minh và Nguyệt Minh tiếp tục vào vòng loại để chọn các dự án tham dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế. Phần thi này yêu cầu các tác giả thuyết trình ý tưởng và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo bằng tiếng Anh. Với vốn tiếng Anh rất tốt, cả Đức Minh và Nguyệt Minh đều hoàn thành xuất sắc phần thi của mình và được Ban giám khảo đánh giá cao. “Khi biết dự án đạt giải Nhất, em rất vui. Cuộc thi này giúp em có thêm nhiều kiến thức mới, được trực tiếp thực hành, trải nghiệm, rèn luyện tính cẩn thận và kỹ năng thuyết trình…”- Vũ Đức Minh cho biết.

Được biết, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành có 12 CLB; trong đó có nhiều CLB liên quan đến khoa học và công nghệ. Người truyền cảm hứng để học sinh tham gia các CLB này là TS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng nhà trường. “Mỗi học sinh đều có những năng khiếu, sở thích khác nhau. Mục đích của việc tổ chức nhiều CLB dành cho học sinh là để phát huy khả năng của mỗi em, lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động có giá trị; khi đó các em sẽ tránh xa được các tệ nạn xã hội, phát triển toàn diện cả tri thức và kỹ năng. Thành công lớn nhất của hoạt động này là đã tạo ra được ấn tượng rất mới mẻ về học sinh trường Nguyễn Tất Thành – những “nhà khoa học” nhỏ tuổi luôn cháy bỏng ước mơ sáng tạo, miệt mài chinh phục các đỉnh cao trí tuệ”- TS Nguyễn Thị Thu Anh cho biết.
Từ năm 2013 đến nay, đã có 17 sản phẩm nghiên cứu của học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đạt giải nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, riêng năm học 2016 - 2017, trường đạt 5 giải (1 Nhất, 2 Nhì, 1 Ba, 1 Khuyến khích). Ngoài ra, có 27 sản phẩm nghiên cứu của trường đã đạt giải tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học được tổ chức tại Singapore, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc. Năm 2021, trường đã gửi 5 đề tài khoa học của học sinh tham gia cuộc thi Khoa học Kỹ thuật tại Singapore được tổ chức online vào ngày 20/4/2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần