Đam mê cháy bỏng hoa lan rừng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Yêu lan từ thuở cắp sách tới trường, ít ai ngờ rằng, tình yêu bền bỉ với loài hoa quân tử ấy đã giúp anh Nguyễn Đỗ Thế Cường (sinh năm 1964) trở thành “tay chơi” lan rừng nức tiếng xa gần với vườn Việt Thanh Lan ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất.

Ngay từ khi còn là một cậu bé, khi các bạn cùng trang lứa còn mải rong chơi, cậu bé Cường ngoài thời gian học tập còn dành thời gian để tìm hiểu về lan rừng. Từ chỗ say mê, tình yêu với lan rừng cứ lớn dần theo năm tháng. Giờ đây, ngoài thời gian dạy Văn, thầy giáo Nguyễn Đỗ Thế Cường lại say sưa với vườn Việt Thanh Lan. Anh Cường chia sẻ, cùng với gia đình thì niềm hạnh phúc lớn của đời anh là lưu giữ được 11 loại lan cổ đặc biệt quý hiếm như: Bạch Ngọc, Tố Tâm, Hoàng Trần, Đông Lan Mặc Tuyết, Tứ Quý…

Trong các thú chơi mà các cụ để lại, lan là thú chơi thanh tao nhất nhưng cũng công phu nhất. Để có được một giò lan rừng quý, anh Cường không quản ngại khó khăn. Chỉ cần có người mách nơi nào có lan đẹp thì dù xa xôi đến mấy, anh cũng sẵn sàng lên đường. Có lần, người bạn trên Điện Biên gọi điện báo có loài lan quý, không thể chờ tới sáng hôm sau, anh xuất phát vào nửa đêm và chưa đầy một ngày lan từ rừng đã về với ngôi nhà mới. Có được lan rồi, khâu chăm sóc và giữ được lan trổ mầm, ra hoa mới là công việc đòi hỏi nhiều tâm sức. “Chơi lan mà không hiểu lan thì trồng rất dễ mất. Có những loại chết do nhiễm bệnh nhưng phải 3 - 4 tháng sau mới phát hiện được vì lan chỉ chết hẳn khi hết rễ hoàn toàn” – anh Cường giải thích.

Hiện nay, anh Cường đã sưu tầm được hơn 100 loài lan rừng, với gần 600 giò các loại. Anh cũng sở hữu một số loại lan quế rất khó tìm như: Quế Hổ Lua, Quế Tam Bảo Sắc. Loại lan này đạc biệt ở chỗ mỗi giò có thể cho tới 30 ngọn, 1 ngọn có thể ra tới 8 mầm hoa, khi nở bông dài, hoa đẹp, hương thơm dịu. Sau 5 năm gây dựng, vườn Việt Thanh Lan đã nức tiếng miền Bắc nhưng chưa khi nào anh Cường đề cao vấn đề kinh doanh mà chỉ mong muốn ước mơ bảo tồn loài hoa lan quý thành hiện thực. Vì thế dù có những khách nhiều lần cất công đi lại, trả giá cao nhưng anh không muốn bán những giò lan đã gắn bó nhiều năm.
Điều anh Cường thấy vui là người chơi hoa Hà thành đã tinh tường hơn, cách thưởng lan đã thể hiện được cá tính riêng. Người mê lan cũng chịu chơi và chịu chi hơn khi không tiếc tiền để rước được giò lan mình yêu thích. Tuy nhiên, với anh, khách không thể mua lan như món hàng ngoài chợ mà phải cùng chủ vườn vừa thưởng trà, ngắm hoa, chia sẻ tình yêu với lan rừng. Qua tiếp xúc nếu thấy khách thực sự yêu thích lan thì anh Cường mới bán. Thậm chí, có lúc vì mến người muốn mua lan, anh còn tặng không lấy tiền với hy vọng tình yêu với lan rừng sẽ tiếp tục được nhân lên.