Đam mê sáng tạo với sự nghiệp trồng người

Linh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là chủ nhân của tủ sách với gần 1.000 đầu sách, được sử dụng làm kho tư liệu chung cho tất cả giáo viên, học sinh khi cần đến, chị Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình còn là đồng tác giả phần mềm “Từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa trực tuyến”…

Nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi môn Ngữ Văn, dẫn đầu trong phong trào nghiên cứu chuyên đề giảng dạy, rút kinh nghiệm trong ngành giáo dục. Với nghị lực và bản lĩnh của một hiệu trưởng gắn bó với sự nghiệp trồng người, chị Nguyện vinh dự là một trong 100 gương mặt Phụ nữ tiêu biểu được vinh danh “Tự hào Phụ nữ Việt Nam”.
 

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện hướng dẫn học sinh sử dụng từ điển đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa.

Ý tưởng làm phần mềm "Từ điển Tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa" xuất hiện từ năm 2011 khi trong quá trình giảng dạy và tiếp xúc với học sinh chị thấy một điều bất cập là dùng từ không rõ nghĩa, không đúng hoàn cảnh giao tiếp, vốn từ nghèo nàn. Từ thực tiễn của người làm công tác giáo dục, chị Mai Thị Bích Nguyện nhận thấy, những tác động mạnh mẽ của các phong trào thi đua trong việc dạy và học. Tuy nhiên, việc tổ chức các phong trào thi đua cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế, một số phong trào chưa thực sự động viên, khuyến khích được người tham gia… Chị trăn trở tìm nguyên nhân và thấy rằng trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường ít để ý đến việc trau dồi vốn từ cho học sinh. Lý do thứ hai là ở những vùng quê nghèo học sinh không có tiền mua từ điển, nếu có từ điển thì cũng cồng kềnh, khó tra cứu. Từ đó, chị suy nghĩ phải có phần mềm cập nhật trên cùng một giao diện, có từ tiếng Việt đồng âm, đồng nghĩa và trái nghĩa để học sinh dễ nhớ, dễ tìm hiểu và tiết kiệm chi phí. Cũng chính từ đó, chị đã nhen nhóm ý tưởng nghiên cứu “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục”.
Sau 3 năm nghiên cứu, phần mềm của chị Nguyện và các cộng sự đã chính thức được áp dụng vào thực tế. Phần mềm bao gồm bộ tiêu chí thi đua với 27 tiêu chí chính trong từng lĩnh vực hoạt động giáo dục, trong mỗi tiêu chí lại có nhiều chỉ số cụ thể để xác định nội hàm cho từng tiêu chí. Với hàng trăm chỉ số cụ thể, bộ tiêu chí đánh giá thi đua không chỉ cụ thể về nội dung, yêu cầu mà còn đảm bảo tính hợp lý, toàn diện, phù hợp với thực tiễn trường học…. Bên cạnh đó, phần mềm còn có khả năng áp dụng rộng rãi trong các mô hình nhà trường hoặc các đơn vị phòng, ban, sở, ngành, doanh nghiệp… Vì vậy, ngay sau khi biết về đề tài này, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tìm đến và cô giáo Nguyện không ngại chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu theo dõi, đánh giá thi đua tại đơn vị.
Nếu như lần đầu, chị Nguyện và các cộng sự đạt giải Nhất với đề tài “Nghiên cứu, xây dựng phần mềm từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa trực tuyến” thì giải Nhất lần thứ hai thuộc về đề tài “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục” - phần mềm về theo dõi và đánh giá thi đua đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là một phần thưởng xứng đáng cho chị.
Thực tế, phần mềm của chị Nguyện và các cộng sự đã được áp dụng vào phong trào thi đua của nhà trường, nhờ đó đã đưa Trường THCS An Vũ từ một trường trung bình đã vươn lên thành trường có thành tích cao trong phong trào dạy và học của huyện Quỳnh Phụ.
Những năm qua, chị đã xây dựng tủ sách cá nhân với 600 đầu sách phục vụ ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh đạt 18 sáng kiến loại A; 2 sáng kiến loại B và tích cực nghiên cứu 2 đề tài cấp huyện, 1 giải pháp khoa học đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo Khoa học, Công nghệ của tỉnh, giải Nhì Hội thi sáng tạo toàn quốc. Với phần mềm độc quyền, có tính mới, tính sáng tạo, chị vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vinh danh năm 2015. Bằng nghị lực và lòng đam mê sự nghiệp trồng người, chị Nguyện cùng tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS An Vũ đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nổi bật nhất là chất lượng thi vào THPT đang xếp thứ 37/37 ở huyện những năm trước đây, giờ đã trở thành trường dẫn đầu huyện về thành tích giỏi thi vào THPT. Từ chỗ nhà trường chỉ có một giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi, thì nay, trường đã có 168 lượt giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; 19 lượt giáo viên nữ được cấp Trung ương, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
 Với nghị lực và bản lĩnh của một hiệu trưởng gắn bó với sự nghiệp trồng người, chị Nguyện vinh dự là một trong 100 gương mặt Phụ nữ tiêu biểu được vinh danh “Tự hào Phụ nữ Việt Nam”.
Ở cương vị là một Bí thư Chi bộ, Hiệu trường nhà trường, chị luôn cùng với các đồng nghiệp của mình đoàn kết, đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, thi đua trong công tác dạy và học. Chị đã giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, động viên các em vươn lên trong cuộc sống.
Với những kết quả mà chị Mai Thị Bích Nguyện đạt được hôm nay chính là nhờ tinh thần đoàn kết, cố gắng nỗ lực không chỉ của cá nhân cô mà của cả tập thể trường THCS An Vũ trong việc cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Theo chị Nguyện, mỗi cá nhân, mỗi tập thể nên học tập và làm theo Bác. Là một cô giáo, mục tiêu của cô luôn hướng về học sinh, làm sao các em học tập tốt hơn, giúp phụ huynh yên tâm khi gửi con học ở trường; trong đó, người Hiệu trưởng phải gương mẫu để tạo hiệu ứng, sức lan tỏa trong cộng đồng giáo viên cũng như đối với tất cả mọi người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần