Vì sao đầm Nguyên Khê vẫn chưa được xử lý ô nhiễm môi trường?

Vân Nhi – Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 24/5 có bài “Đầm Nguyên Khê bị bức tử” phản ánh việc Cụm Công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê (CCN Nguyên Khê), huyện Đông Anh hoạt động không đảm bảo vệ sinh môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Tại thời điểm đó, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, các lực lượng chức năng huyện Đông Anh khẳng định, đã và đang khẩn trương khắc phục sự cố cũng như đấu nối hệ thống thoát nước thải của các DN và hệ thống chung của CCN. Thế nhưng, đến thời điểm này, đây vẫn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Nước trong đầm Nguyên Khê chuyển màu đen, bốc mùi xú uế. Ảnh: Vân Nhi

Theo phản ánh của gia đình ông Tô Quang Nội, thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, từ khi CCN Nguyên Khê, đặc biệt là Công ty CP Miza (sản xuất giấy - PV) đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân nơi đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông Nội, việc Công ty CP Miza và các DN trong khu vực xả thẳng nước thải sản xuất ra đầm Nguyên Khê đã khiến nguồn nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Chỉ trong vòng 3 ngày (5 – 7/10), gần 10 tấn cá lâu năm của gia đình tôi đấu thầu tại đầm Sơn Du bỗng chết hàng loạt. Khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã mời đại diện các lực lượng chức năng địa phương xuống lập biên bản, ghi nhận thiệt hại để báo cáo các đơn vị có chức năng xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng ô nhiễm môi trường và những thiệt hại do hoạt động của CCN Nguyên Khê gây ra vẫn chưa được xử lý” – ông Nội cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 19/9, UBND huyện Đông Anh đã có Văn bản số 1160/UBND – TNMT về việc ngăn chặn, xử lý nước thải ô nhiễm, xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Nguyên Khê. Tại văn bản này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh khẳng định, tình trạng ô nhiễm môi trường, cá chết hàng loạt xảy ra trong thời gian qua tại hồ thôn Đông, Sơn Du (xã Nguyên Khê) trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty CP Miza và Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam. Cũng tại văn bản này, UBND huyện Đông Anh đã yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục sự cố, thực hiện trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường, đền bù thiệt hại cho các chủ hồ cá.

Đồng thời, UBND huyện Đông Anh đã giao Công an huyện kiểm tra việc khắc phục ô nhiễm môi trường do Công ty CP Miza, chủ đầu tư CCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân trên không thực hiện, cần tham mưu các biện pháp xử lý. Thế nhưng đến thời điểm này, những yêu cầu mà UBND huyện Đông Anh đưa ra vẫn chưa được các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc. Một số người dân quanh khu vực cho rằng, tình trạng trên không khác gì "đánh trống bỏ dùi".

Để rộng đường dư luận, ngày 6/11, phóng viên đã liên hệ với UBND, Công an huyện Đông Anh. Song, đến nay đã hơn nửa tháng, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía chính quyền sở tại, dù vụ việc đề cập có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nơi đây.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh thông tin vụ việc.