Đàm phán "dậm chân tại chỗ", cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khó hạ nhiệt

Nguyễn Thu (Theo Nikkei)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra vào tuần trước không mang đạt được thỏa thuận nào và điều này dự báo căng thẳng thương mại giữa hai nước tiếp tục leo thang.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung vừa kết thúc hôm 23/8 ở Washington không đạt được bước tiến cụ thể nào để hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đoàn quan chức Trung Quốc dẫn đầu bởi Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen đã tới Washington để đàm phán thương mại từ ngày 22-23/8. Dẫn đầu các quan chức Mỹ tham gia cuộc đàm phán này là Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass.
 Đoàn quan chức Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen dẫn đầu đã tới Washington để đàm phán với đoàn quan chức Mỹ. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi đã hoàn tất 2 ngày thảo luận với các đối tác Trung Quốc và trao đổi quan điểm về làm thế nào để đạt được sự bình đẳng, cân bằng và có đi có lại trong mối quan hệ kinh tế, bao gồm thông qua việc giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu ở Trung Quốc dựa theo báo cáo trong Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ", Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters nói với báo giới.
Báo cáo mà bà Walters đề cập trước Mỹ công bố hồi tháng vào tháng 3, cáo buộc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, phía Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng việc chuyển giao công nghệ là các giao dịch tự nguyện giữa các công ty, không phải yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. "Chúng tôi cũng có quyền phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao", một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Trung Quốc nói thêm.
Cả Bắc Kinh và Washington đều bày tỏ mong muốn tiến hành thêm các cuộc đàm phán thương mại, song hiện hai bên vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể.
Theo Bộ thương mại Trung Quốc, trong cuộc đàm phán vừa qua, các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc đã trao đổi trên tinh thần xây dựng và thẳng thắn. Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định cả hai bên sẽ giữ liên lạc để xúc tiến các cuộc đàm phán mới trong thời gian tới.
Trong khi đó, bà Lindsay Walters cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao việc đoàn Trung Quốc tới Mỹ để tham dự các cuộc gặp này".
Việc cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung "dậm chân tại chỗ" cũng cho thấy rằng, mối lo ngại tác động từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như không có nhiều tác động đến lập trường cứng rắn của Washington.
Các nhà phân tích nhận định trong thời gian sắp tới Mỹ và Trung Quốc khó có thể tổ chức được các cuộc đàm phán thương mại mới trong bối cảnh hai nước tiếp tục "vòng xoáy" thuế quan mới.
Sắp tới, chính quyền Mỹ có thể sẽ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Bắc Kinh đã tuyên bố sẵn sàng đáp trả.
Tuần trước, trong lúc quan chức thương mại hai nước đang đàm phán, Mỹ đã áp thuế lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Trung Quốc ngay lập tức áp thuế lên 16 tỷ USD hàng Mỹ để trả đũa.
Trước đó, hai nước đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị hàng hóa nhập khẩu của Mỹ và Trung chịu thuế trả đũa lẫn nhau đã lên tới 50 tỷ USD.
 Ngày 23/8, Mỹ đã áp thuế lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Trung Quốc ngay lập tức áp thuế lên 16 tỷ USD hàng Mỹ để trả đũa. Ảnh: Reuters
Trong cuộc thăm dò của Gallup công bố tháng trước, 62% số người Mỹ được hỏi ủng hộ lập trường cứng rắn trong đàm phán thương mại với Trung Quốc của Đảng Cộng hòa. Những người tham gia cuộc thăm dò lên tiếng ủng hộ quan điểm của Tổng thống Donald Trump, nói rằng mức thuế suất mới áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế Mỹ trong dài hạn.
Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng Bắc Kinh có thể đồng ý nhập khẩu thêm năng lượng và sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc sẽ không nhượng bộ đối với những ngành công nghiệp được xác định trong “Sáng kiến sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025).
Chuyên gia về Trung Quốc Scott Kennedy thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và chính sách quốc tế ở Washington cho biết: "Chính quyền Trump dường như chắc chắn sẽ áp đặt gói thuế nhập khẩu mới trị giá trên 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc trừ khi nền kinh tế Mỹ xảy ra bất ổn lớn".