Đàm phán thương mại Mỹ - Trung nhiều tiến triển, giá dầu Brent tăng mạnh nhất từ đầu năm

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá dầu mỏ tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày 14/2 nhờ kỳ vọng về khả năng cuộc tranh chấp thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt.

Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent tiếp tục leo dốc chạm mức đỉnh kể từ đầu năm nay do giới đầu tư đặt nhiều hy vọng các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thị trường dầu thế giới cũng được hỗ trợ trong phiên này nhờ các số liệu tích cực về hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch ở mức 64,35 USD/thùng, tăng 74 xu Mỹ, tương đương 1,1%.  Trong phiên giao dịch, có thời điểm giá mặt hàng dầu này đã chạm mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, lên tới 64,43 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 57 xu Mỹ, khoảng 1,1%, lên mức 54,46 USD/thùng.
Thị trường năng lượng hiện khá lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi Tổng thống Donald Trump hôm 13/2 nhận định rằng diễn biến cuộc đàm phán đang “rất tốt đẹp”.
 Giá dầu đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại cấp cao mới tại Bắc Kinh. Phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu cuộc thảo luận thương mại với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương cũng tham gia vòng đàm phán diễn ra trong hai ngày 14-15/2.
Ngoài ra, Tổng thống Trump còn cân nhắc gia hạn thêm 60 ngày đối với thời hạn chót ngày 1/3 áp thuế cao đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. 
“Một cuộc đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày được thống nhất hồi tháng 12/2018 sẽ kết thúc vào ngày 1/3, nhưng do tiến trình của các cuộc đàm phán có thể được mở rộng, vì vậy gia tăng kỳ vọng về việc tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc”, nhà phân tích thị trường Alfonso Esparza của OANDA nhận xét.
Bên cạnh đó, trong phiên ngày 14/2, các số liệu tích cực mới nhất về hoạt động thương mại của Trung Quốc, bao gồm dầu thô, cũng hỗ trợ tích cực cho đà leo dốc của giá “vàng đen”.
Báo cáo mới nhất cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 1/2019 đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt mức trung bình 10,03 triệu thùng/ngày, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp nhập khẩu dầu thô của nước này vượt 10 triệu thùng. 
Sức ép nguồn cung vẫn "phủ bóng đen" lên thị trường năng lượng
Lượng dự trữ dầu của Mỹ không ngừng gia tăng tiếp tục gây áp lực lên đà phục hồi của giá dầu trong dài hạn. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước (kết thúc ngày 8/2) đã tăng 3,6 triệu thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2017 là 450,8 triệu thùng. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 4 tuần liên tiếp, vượt mức dự báo của giới phân tích chỉ tăng 2,7 triệu thùng.
Trong một báo cáo công bố ngày 13/2, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo: “Thị trường dầu toàn cầu sẽ đối mặt với thực tế nguồn cung tăng mạnh từ các quốc gia không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), mặc dù liên minh này thực hiện việc cắt giảm sản lượng và chính quyền Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela và Iran.
IEA dự báo ​​nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 1,4 triệu thùng dầu, trong khi nguồn cung từ các nước ngoài OPEC sẽ tăng 1,8 triệu thùng.