Dần chấm dứt tư duy 'viên chức cả đời' trong hoạt động công chứng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vấn đề mấu chốt là lương, chế độ bảo hiểm ra sao cho các công chứng viên. Thực tế văn phòng công chứng không phải nhà nước vẫn có thể hoạt động hiệu quả.

 Sáng nay (28/5), đoàn giám sát do Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Phòng Công chứng số 3 TP Hà Nội về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công chứng trên địa bàn TP.
 Toàn cảnh buổi làm việc.
Trưởng Phòng Công chứng số 3 Vũ Việt Hoàn cho biết, với chức năng chính là công chứng các hợp đồng giao dịch dân sự, bản dịch theo Luật Công chứng và chứng thực chữ ký, sao đúng với bản chính theo quy định về chứng thực, hiện Phòng có 28 cán bộ, nhân viên. Phòng là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên đã tự chủ tài chính từ nhiều năm nay, trong đó mọi công chứng viên đang làm việc đều được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên.
Dù vậy, lãnh đạo Phòng chia sẻ, Phòng có trụ sở tại quận Cầu Giấy với rất nhiều tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, nên gây nhiều khó khăn cho hoạt động chuyên môn của cơ quan. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động chuyên môn của Phòng thì có một số trang thiết bị đã lạc hậu. Hơn nữa, gần đây hệ thống tổ chức hành nghề công chứng có đa số phòng chuẩn bị cho việc chuyển đổi, gặp nhiều lúng túng, bất cập, nên ít nhiều gây tư tưởng không yên tâm công tác của cán bộ, nhân viên cơ quan.
Trong khi đó, từ tháng 1/2019 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch có hiệu lực, trong đó Điều 2 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công chứng năm 2014. Theo đó, bãi bỏ những quy định liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, sẽ dẫn đến việc thành lập thêm các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Hà Nội.
 Giao dịch tại "Nơi tiếp nhận bản sao" - Phòng Công chứng số 3 TP Hà Nội
Do đó, lãnh đạo Phòng đề nghị UBND TP và Sở Tư pháp Hà Nội có biện pháp định hướng, phát triển tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô để tránh tình trạng tập trung quá nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn, giải quyết dứt điểm cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề này.
Lắng nghe các ý kiến trao đổi, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam đề nghị Sở Tư pháp sớm rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng khâu trong hoạt động công chứng trên địa bàn theo đúng quy định. Trong đó, lưu ý để đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục, trước hết cần tăng cường kết nối giữa các phòng, ban với nhau.
Đặc biệt, theo Trưởng đoàn giám sát, một mục đích chính của đợt giám sát này là khảo sát  quá trình thực hiện chuyển đổi sang tự chủ của các phòng công chứng. “Thực tế cho thấy, nút thắt lớn nhất của công tác này hiện là cơ chế chính sách liên quan đến tinh giản bộ máy, mà thực chất chuyển đổi từ phòng công chứng nhà nước sang tự chủ là ở sắp xếp bộ máy.
Khó khăn thứ hai chính là giải quyết tư duy “viên chức cả đời” - đang là câu chuyện của cả hệ thống chứ không riêng các phòng công chứng. Cần dần chấm dứt tư duy “phòng công chứng phải là của nhà nước”, vì vấn đề mấu chốt là lương, chế độ bảo hiểm ra sao cho các công chứng viên; và thực tế văn phòng công chứng không phải nhà nước vẫn có thể hoạt động hiệu quả. Để giải quyết được vấn đề này là một quá trình, trong đó cần có sự phối tích cực tháo gỡ của các sở, ngành, đơn vị, và ngay từ Sở Tư pháp cần giải quyết vấn đề tư duy này của các viên chức”.
Ngoài ra, về những khó khăn liên quan đến giá chuyển nhượng vốn là một tài sản vô hình, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cho biết đoàn sẽ làm việc cụ thể với Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách vấn đề này và lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Tư pháp… để tháo gỡ. Sở Tư pháp cần cùng với UBND TP và các phòng công chứng tổng hợp lại các vướng mắc để cùng tích cực tháo gỡ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần