Dân lo ngại môi trường, chủ đầu tư Nhà máy Bột- Giấy VNT19 đưa ra loạt cam kết
Kinhtedothi - Trước lo ngại của người dân về tác động tiêu cực đến môi trường nên chưa đồng thuận thi công đường ống xả thải ra biển, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đã đưa ra loạt cam kết.
Sáng 18/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì buổi gặp mặt Nhân dân thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) để thông tin, giải thích việc thực hiện Dự án Nhà máy Bột- Giấy VNT19.
Dự họp còn có đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì buổi gặp mặt Nhân dân thôn Lệ Thủy.
Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn khẳng định, Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các hạng mục trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài Nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt.
Đại diện chủ đầu tư cũng cung cấp thông tin, giải thích các vấn đề liên quan đến việc thi công tuyến ống xả thải đã qua xử lý của Nhà máy Bột - Giấy VNT19. Theo đó, kỹ thuật và công nghệ hệ thống xử lý nước thải qua xử lý; đường ống xả nước thải qua xử lý do nhà thầu Aquaflow của Phần Lan thiết kế, thi công mới 100% với công suất 50 nghìn m3/ngày đêm.

Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 có mức đầu tư gần 9.900 tỷ đồng.
Tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và yêu cầu của người dân, chủ đầu tư đã bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, phương án giám sát việc xả nước sau xử lý.
Nhà máy Bột - Giấy VNT19 có vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng, được xây dựng tại xã Bình Phước (huyện Bình Sơn), diện tích dự kiến sử dụng 117ha. Đối với phần thi công đường ống ngầm xả nước thải ra biển, khu vực biển được phép sử dụng có diện tích 0,45 ha (gồm chiều dài khoảng 1.195m, xả thải bằng ống ngầm, phân tán; độ sâu đề nghị sử dụng từ 0m đến dưới 19m) tại vịnh Việt Thanh (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị).

Hướng tuyến cống thải xả của dự án ra vùng biển ở vịnh Việt Thanh.
Đáng chú ý, tại buổi gặp mặt này, chủ đầu tư đưa ra loạt cam kết như: chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố, đảm bảo an toàn môi trường và không để xảy ra sự cố môi trường bên ngoài nhà máy, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, dừng ngay hoạt động xả thải nếu xảy ra sự cố, bồi thường thỏa đáng và khôi phục hiện trạng...
Về phía người dân, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm và sự lo lắng dẫn đến không đồng thuận với việc thi công tuyến ống xả thải của Nhà máy. Các cơ quan ở Trung ương, tỉnh và chủ đầu tư đã thông tin, giải thích cụ thể.

Người dân lo ngại dự án sẽ gây tác động tiêu cực đến vùng biển, ảnh hưởng sinh kế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh, buổi gặp mặt được tổ chức trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đối với những vấn đề liên quan đến dự án.
"Tôi mong người dân không nhìn nhận vấn đề theo hướng cực đoan. Vấn đề đặt ra là phải cùng với chính quyền kiểm tra, giám sát dự án trong quá trình hoạt động. Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, có phương án tái sử dụng nước thải càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt"- ông Hiền nói.

Quảng Ngãi: huyện đảo Lý Sơn sẽ trở thành đặc khu
Kinhtedothi- Quảng Ngãi tổ chức lại huyện đảo Lý Sơn thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu Lý Sơn.

Chìm đắm trong không gian văn hóa Hre ở Quảng Ngãi
Kinhtedothi-Tối 16/4, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp UBND huyện Ba Tơ tổ chức không gian trưng bày văn hóa Hre với chủ đề: “Hơi thở đại ngàn - Dấu ấn Ba Tơ”.

Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum nối gần biển và rừng
Kinhtedothi - Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn tạo động lực vận tải, logistics giữa Quảng Ngãi, Kon Tum cũng như Tây Nguyên.