Dẫn nước sông Hồng làm sạch sông hồ: Từ đề xuất xưa đến ý tưởng hiện tại

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm cải thiện môi trường sông, hồ tại Hà Nội, thời gian vừa qua, hàng loạt các đề xuất, ý tưởng đã được các chuyên gia, nhà khoa học đem ra bàn luận, đánh giá.

Sau tất cả, biện pháp dẫn nước từ sông Hồng vào cải thiện môi trường sông, hồ tại Hà Nội với tính thực tiễn cao, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả lâu dài… đã thuyết phục được đông đảo giới chuyên môn, người làm nghề.
Biện pháp khả thi
Theo các chuyên gia, trong quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội, các sông hồ được đặc biệt chú ý như một cấu phần quan trọng hàng đầu trong việc tạo lập không gian sống, không gian văn hóa - môi trường - kinh tế có giá trị cao và riêng có của TP.
Từ tầm nhìn cơ bản ấy, việc duy trì mực nước hợp lý, tạo sự luân chuyển và cải thiện chất lượng môi trường cho Hồ Tây và các sông, hồ nội thành là một nhu cầu thực tế và là một ý tưởng tốt cho môi trường và đời sống của người dân Thủ đô. Ý tưởng này được đề xuất lần đầu tiên bởi các chuyên gia quy hoạch Liên Xô (cũ) cũng trong đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển Hà Nội năm 1981.
Sông Tô Lịch một trong những con sông đang bị ô nhiễm ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo đồ án này, ngoài nước mưa, nước bổ cập được lấy từ sông Nhuệ bằng trạm bơm, sau cống Liên Mạc, dẫn về một hồ lắng ở khu vực Phú Thượng, Nhật Tân. Sau khi lắng đọng để loại bỏ phù sa, bùn cặn, nước trong sẽ được chảy vào Hồ Tây tạo sự luân chuyển nước rồi đưa vào sông Tô Lịch và các dòng sông trong khu vực nội thành.
Cũng từ ý tưởng trên, những năm 1990, đầu năm 2000, các chuyên gia Nhật Bản trong nghiên cứu dự án của JICA về thoát nước Hà Nội đã đề xuất giải pháp dùng nước thải của TP, sau khi được xử lý làm sạch đạt tiêu chuẩn để bổ cập cho Hồ Tây. Trong những năm sau đó, một số nhóm nghiên cứu trong nước cũng đề xuất lấy nước từ sông Đà để cấp nước bổ sung cho một số sông nội địa - phía Nam sông Hồng (sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ) phục vụ nông nghiệp và môi trường, kết hợp với bổ cập nước cho Hồ Tây và sông Tô Lịch.
Thậm chí, một số nhóm còn đề xuất tận dụng cống lấy nước Lương Phú mới xây dựng kết hợp xây dựng thêm phao dâng sau cống trên sông Đà để ổn định cốt nước ở cao độ đủ để tự chảy, bổ cập cho sông Tô Lịch và các sông hồ nói trên thông qua tuyến kênh đào mới dọc theo trục Tây Thăng Long.
Gần đây nhất, TP đã cho tiến hành một số dự án thí điểm làm sạch nước Hồ Tây, sông Tô Lịch bằng các công nghệ mới như Redoxy - 3C của châu Âu và công nghệ Nano Bio - Reactor của Nhật Bản… Song, theo nhiều chuyên gia, so với đề xuất dẫn nước từ sông Hồng bổ cập nước Hồ Tây từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, các đề xuất trên phức tạp, chưa thể triển khai ngay được, không còn phù hợp với tình hình hiện tại và tốn kinh phí hơn rất nhiều. Do đó, các chuyên gia khẳng định, đề xuất dẫn nước từ sông Hồng bổ cập nước cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, là biện pháp khả thi nhất tại thời điểm hiện tại.
Mở ra cơ hội phát triển du lịch
Xung quanh đề xuất này, ông Lê Minh Châu - nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội nhận định, đây là đề xuất hợp lý, có tính khoa học cao. Ông Châu phân tích, về phương diện kỹ thuật việc bơm nước lắng lọc phù sa từ sông Hồng, đảm bảo chất lượng nước để bổ cập vào Hồ Tây, với công nghệ hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.
Mặt khác, kinh phí để hiện thực hóa không nhiều (khoảng 150 tỷ đồng - PV), không phải GPMB nhiều, đảm bảo yếu tố văn hóa, đồng thuận của người dân. Đặc biệt, nếu đề xuất này được thông qua, từ những giá trị văn hóa, lịch sử của Hồ Tây, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa tham gia thực hiện dự án cũng không khó.
Hơn nữa theo ông Châu, đề xuất được triển khai thực hiện, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển giao thông đường thủy, du lịch và tạo điều kiện cho điểm vui chơi giải trí xung quanh phát triển. Bởi lẽ sông Tô Lịch sẽ được kết nối với Hồ Tây, nếu đào thêm 1km nối sông Tô với hồ Thủ Lệ, nối sông Tô với hồ Yên Duyên, Yên Sở.
Đồng thời, kè thẳng đứng và kè đáy sông Tô chúng ta sẽ có thêm một mạng lưới giao thông đường thủy. Khi đã tạo được sự liên thông, chúng ta có thể nghĩ đến việc cải tạo công viên nước Hồ Tây, công viên Thủ Lệ và công viên Yên Sở trở thành các điểm vui chơi mang tầm quốc tế.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập Hồ Tây, cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra không chỉ có tính khoa học mà còn có tính thực tiễn rất cao.
Theo lý giải của ông Nghiêm, hiện tại lượng phù sa trên sông Hồng trong 10 năm trở lại đây đã giảm đột ngột so với trước đây, chỉ bằng 1/7 lần so với trước kia, vị trí xây dựng trạm ở sông Hồng dẫn nước vào Hồ Tây là ngắn nhất, ít phải GPMB, kinh phí thấp… cũng được coi là một lợi thế của đề xuất này so với đề xuất khác.
Cũng liên quan đến vấn đề phù sa của sông Hồng và khả năng thích nghi của Hồ Tây khi bổ cập nước sông Hồng, GS.TS Dương Thanh Lượng – trường Đại học Thủy Lợi, nguồn nước sông Hồng có mức ô nhiễm thấp về chất hữu cơ, vi sinh và kim loại nặng và thấp hơn so với bản thân nước trong Hồ Tây. Do đó, khi bổ cập nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, sẽ không có nhiều biến động ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong hồ.
Đề cập đến mức độ bồi lắng phù sa khi đưa vào Hồ Tây, GS.TS Dương Thanh Lượng cho biết, mức độ bồi lắng không đáng kể, khoảng 0,5mm/năm và có lẽ phải 100 năm (khoảng 5cm) chúng ta mới cần nạo nét một lần, thậm chí, nếu cần, chúng ta có thể khoanh vùng nhỏ trong hồ để thực hiện nạo vét định kỳ để tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong hồ.

Theo đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội, đơn vị này sẽ xây dựng trạm bơm và đường ống áp lực để lấy nước từ sông Hồng bổ cập nước cho Hồ Tây; xây dựng bể lắng cát thô, bể lắng cát tinh để xử lý nước trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Tiếp đó, xả nước từ Hồ Tây thông qua cửa điều tiết A, B đưa nước vào sông Tô Lịch. Đồng thời, xây dựng đập dâng nước bằng đập tràn cao su tại thượng lưu Cầu Dậu, cách thượng lưu sông khoảng 11,7km để dâng mực nước sông và tạo dòng chảy trên sông…


"Nếu đề xuất được thông qua, Công ty Thoát nước Hà Nội cần tính toán diện tích, vị trí đặt hồ lắng sao cho phù hợp để quản lý và nạo vét cặn lắng được thuận lợi và đỡ tốn kém trong công tác GPMB; đồng thời, nghiên cứu các giải pháp đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, mưa lớn hay khô hạn trái mùa." Nguyên Giám đốc Ban QLDA Thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần