Đan Phượng kiến nghị hưởng cơ chế đặc thù để đầu tư hạ tầng đạt tiêu chí quận

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Huyện Đan Phượng đề nghị Thành phố cho được hưởng cơ chế đặc thù từ nguồn thu tiền sử dụng đất các dự án giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của huyện đạt các tiêu chí quận vào năm 2020.

Sáng nay (22/5), đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc với UBND huyện Đan Phượng về công tác giao kế hoạch kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
 Quang cảnh buổi làm việc tại UBND huyện Đan Phượng.
Theo Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của huyện được phê duyệt ban đầu 2.073 tỷ đồng cho 366 dự án, sau được bổ sung 381 tỷ 436 triệu đồng cho 95 dự án và 47 dự án mới. Hết năm 2018, huyện đã giải ngân được 1.116 tỷ 109 triệu đồng, đạt 91,4% kế hoạch giao. Thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng 4 tháng qua đạt 25% kế hoạch vốn giao năm nay. Song, qua nửa kỳ thực hiện kế hoạch cho thấy, tại huyện có một số dự án chậm phải điều chỉnh, giãn, hoãn tiến độ; phải bổ sung điều chỉnh kế hoạch đầu tư 5 năm 2016-2018 do nhiều dự án phát sinh hoặc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, một số dự án trong kế hoạch nhưng không thực hiện được.
Trong khi, nguồn vốn cần thiết để thực hiện kế hoạch đầu tư công 2019-2020 nhất là năm 2020 tương đối lớn, nên để hoàn thành kế hoạch 5 năm là khó khăn. Dù đã nỗ lực gỡ vướng cho các dự án đặc biệt về GPMB, đôn đốc các đơn vị, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư các dự án từ đầu năm đến nay cũng chưa đạt yêu cầu.
Theo lãnh đạo UBND huyện, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại này, trong đó có các dự án đầu tư nhằm đảm bảo yêu cầu phù hợp với tiêu chí hạ tầng đô thị chuẩn bị lên quận nên phải điều chỉnh quy mô đầu tư cho phù hợp. Nhất là một số dự án vướng GPMB ảnh hưởng đến tiến độ thi công; thủ tục đầu tư các dự án lớn thì phức tạp, phải qua nhiều lần đấu thầu lựa chọn nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ngoài ra, một số đơn vị chưa quyết liệt đẩy nhanh thực hiện, giải ngân.
Trước những khó khăn từ thực tế, huyện đề nghị các sở, ngành TP tham mưu HĐND TP xem xét thông qua kế hoạch vốn đầu tư công các dự án khởi công mới giai đoạn 2019-2020 của huyện (trường THPT Thọ Xuân, cải tạo nâng cấp đường tỉnh 422 đoạn từ dốc Liên Hà đến Quốc lộ 32 huyện Đan Phượng) trong năm 2020. Đặc biệt, đề nghị TP cho được hưởng cơ chế đặc thù từ nguồn thu tiền sử dụng đất các dự án giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội của huyện đạt các tiêu chí quận vào năm 2020; hỗ trợ địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chí hạ tầng KT-XH đô thị phấn đấu huyện lên quận, xã lên phường, do huyện có nguồn vốn hạn chế, nguồn thu ít. 
 Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội Hồ Vân Nga - Trưởng đoàn giám sát phát biểu.
Tại đây, đoàn giám sát nhận định, công tác giao kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách hàng năm tại Đan Phượng đúng quy định, hướng dẫn của TP, trong đó huyện còn giao thêm chỉ tiêu so với TP, thể hiện quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH. Với công tác đầu tư công, huyện cũng tuân thủ pháp luật và có lồng, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn của huyện; rất nỗ lực giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn, không để nợ đọng XDCB. Thống nhất với các kiến nghị của huyện, đoàn khẳng định sẽ báo cáo HĐND TP.
Dù vậy, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga đề nghị huyện tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cho phù hợp nhiệm vụ đến năm 2020, tiến tới đủ tiêu chuẩn lên quận. Đồng thời, cần cập nhật kế hoạch trung hạn 2016-2020 làm căn cứ xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025; đẩy nhanh chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án để kịp thời triển khai; chỉ đạo công tác thanh quyết toán, tất toán các dự án bảo đảm không nợ ngân sách.