Đan Phượng nâng chất lượng nông thôn mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương đầu tiên của Hà Nội về đích, huyện Đan Phượng đang tiếp tục khẳng định là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Đến nay, huyện đã có 3 xã đủ điều kiện trình UBND TP xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Diện mạo hạ tầng thay đổi
Thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, từ năm 2016 – 2018, huyện Đan Phượng đã lựa chọn 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung, để tập trung chỉ đạo rà soát, thực hiện bộ tiêu chí mới. Theo đó, cả 3 địa phương nêu trên đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn.
 Những con đường bích họa giúp thay đổi diện mạo nông thôn tại xã Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các địa phương tập trung phát triển sản xuất. Đến nay, ở mỗi xã đã xây dựng được ít nhất 1 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn. Hàng trăm tỷ đồng cũng đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng điện – đường – trường – trạm, giúp gia tăng giá trị hưởng thụ cho cư dân nông thôn. Đặc biệt, trong quá trình đầu tư, cả 3 xã không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bên cạnh nâng cấp hạ tầng, đời sống của người dân 3 xã thí điểm xây dựng NTM nâng cao cũng được cải thiện đáng kể. Từ năm 2016 đến nay, các xã đã chuyển đổi được hàng trăm héc-ta đất canh tác sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình nông nghiệp cho giá trị cao hơn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người dân của 2 xã Song Phượng và Đan Phượng đã đạt gần 51 triệu đồng/năm; riêng xã Liên Trung lên tới 62 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hai xã Đan Phượng, Liên Trung lần lượt giảm còn 0,54% và 0,24%; riêng xã Song Phượng, đến nay đã không còn hộ nghèo.
Trăn trở nguồn lực đầu tư
Cùng với kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung đã nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “trong sạch, vững mạnh” và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đợt đánh giá vừa qua của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội, cả 3 xã đều đủ điều kiện trình UBND TP xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Dù vậy, mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu còn rất dài. Ở đó, nguồn vốn đầu tư vẫn sẽ là bài toán nan giải. Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết, địa phương phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu năm 2019. Chính vì vậy, song song với hai giải pháp trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân xã đề nghị huyện Đan Phượng đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu.Đồng thời, TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xây dựng NTM kiểu mẫu. Đây cũng là mong mỏi của đại diện lãnh đạo hai xã Song Phượng, Liên Trung.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho rằng, thành quả xây dựng NTM nâng cao của 3 xã đạt được đến nay là nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của toàn hệ thống chính trị, từ chính quyền đến Nhân dân.
“Thực tiễn cho thấy, ở nơi đâu có đoàn kết nội bộ tốt, phát huy dân chủ thực sự, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc, thì xây dựng NTM ở nơi đó đạt kết quả cao” – bà Huyền nhấn mạnh. Đồng thời lưu ý, việc huy động, sử dụng các nguồn lực phải bảo đảm dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng nhằm bảo đảm công khai, minh bạch. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quan trọng cho các địa phương trên địa bàn Hà Nội đối với mục tiêu nâng tầm NTM. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần