Dân khổ vì thiếu nước sinh hoạt, Đà Nẵng họp khẩn

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- TP Đà Nẵng với hơn 1 triệu dân đang đối phó với vấn đề an ninh nước sinh hoạt. Tại nhiều khu vực, người dân khát khô, đang dài cổ chờ xe bồn tiếp nước. Trước tình hình trên, chính quyền TP đã phải họp khẩn.

Phải mua nước bình để tắm!
Đã 3 ngày nay, người dân TP Đà Nẵng quay quắt, đời sống sinh hoạt đảo lộn vì thiếu nước. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra trên diện rộng. Theo đó, thiếu nước trầm trọng đang xảy ra ở khu vực quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn. Những khu vực thuộc quận Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ xảy ra tình trạng nước rất yếu.
 Chị Ngô Thị Hạnh xách xô sang nhà hàng xóm xin nước về nấu cơm. 
Xách hai cái xô sang nhà hàng xóm xin nước, chị Ngô Thị Hạnh (ở đường Bùi Huy Bích, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) mệt mỏi chia sẻ: “Đã 3 ngày nay nhà tôi gần như không có giọt nước nào, sinh hoạt cả gia đình 8 con người quá khổ sở. May mà có nhà bác Ba nước vẫn còn chảy nhỏ giọt nên tôi qua xin về để nấu cơm”.
Theo khảo sát, tình trạng “khát” nước đang diễn ra tại hầu hết khu vực trên địa bàn phường Nại Hiên Đông và nhiều phường khác của quận Sơn Trà. Người dân đang “khát khô” nhưng các bồn cung cấp nước của Công ty CP cấp nước Đà Nẵng cả ngày nay vẫn trơ đáy. Nhà nào may mắn thì nước vẫn chảy nhỏ giọt nên hứng đủ nấu cơm, còn tắm giặt thì phải chờ xe bồn tiếp hoặc phải đi mua.
Hiện Dawaco đã đặt 19 bồn tại các khu vực thiếu nước để tiếp nước cho bà con sinh hoạt. Trong đó quận Sơn Trà 12 điểm, quận Ngũ Hành Sơn 9 điểm. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, từ sáng đến 15h ngày 21/8, xe tiếp nước không đến khiến bà con quay quắt. 
Cô Lê Thị Ba (ở phường Nại Hiên Đông) cho biết: “Người dân chúng tôi vật lộn với thiếu nước đã 3 ngày nay. Công ty cấp nước đặt bồn tiếp nước cho dân nhưng cả ngày nay đâu thấy bóng dáng xe chở nước đến. Thời tiết quá nóng nực mà nước không có để tắm rửa, sinh hoạt thì làm sao chịu nổi. Cả xóm ai cũng đi mua nước bình 10 lít về tắm”.
Còn cô Lê Thị Na (cũng ở phường Nại Hiên Đông) cho hay: “Nước chảy nhỏ giọt, lúc có lúc không nên người dân chúng tôi không có để sinh hoạt, tắm giặt. Quán bún mắm, bánh canh của tôi phải nghỉ bán hai ngày nay vì không có nước để rửa chén bát”. Vừa nói, cô Na chỉ ta ra đống chén bát trước nhà đã hai ngày rồi không có nước để rửa.
 Người dân không có nước để rửa chén bát.

Phường Hòa Thọ Đông của quận Cẩm Lệ dù ở rất gần nguồn nước nhưng tình trạng nước yếu, chảy nhỏ giọt vẫn xảy ra. Ở cách nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 5km, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Định vẫn đang gặp khó khăn trong sinh hoạt vì nước yếu. “Nước rất yếu, có khi chỉ chảy nhỏ giọt. Để đảm bảo sinh hoạt, tôi và mọi người trong nhà phải thay nhau canh hứng nước”, anh Định nói.

Nhiều khu vực của quận Hải Châu, người dân đang than trời vì thiếu nước. Chị Lê Thị Trang thuê trọ trên đường Mai Lão Bạng (quận Hải Châu) than thở: “Em đi làm cả ngày về rất mệt mỏi, nhưng mệt mỏi hơn khi muốn tắm rửa lại không có nước. Người dân ở khu vực này hầu như nhà nào cũng quay quắt vì thiếu nước, họ phải canh cả đêm để hứng nước”.
Họp khẩn giải quyết “khủng hoảng”
Sáng 21/8, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan để giải quyết cơn “khủng hoảng” nước sạch đang diễn ra.
Tại cuộc họp, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu nước là do sông Cầu Đỏ nhiễm mặn. Cụ thể, trong hai ngày 18 và 19/8, nước tại cửa thu nước ở sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt mức cho phép nên Dawaco đã đóng van, không thu nước. Trạm bơm phòng mặn An Trạch đã được vận hành nhưng vẫn không đảm bảo cấp nước cho toàn TP. Trong 2 ngày 19 và 20/8, toàn TP thiếu khoảng 120.000m3.  
 Cửa thu nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ. 
Đại diện Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đề nghị hai thủy điện A Vương và Đăk Mi 4 (đều ở Quảng Nam) xả cùng lúc sẽ giảm mặn và giúp Đà Nẵng giải quyết được bài toán thiếu nước sinh hoạt như hiện nay. Cụ thể, ông Hoàng Thanh Hòa – Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết, hồ A Vương hiện còn 26 triệu m3, hồ Đăk Mi 4 còn khoảng 20 triệu m3. Hồ A Vương xả nước phát điện về Đà Nẵng, còn Đăk Mi 4 xả về Đà Nẵng qua cửa xả sâu 12,5m3/giây. Theo ghi nhận, thủy điện Đăk Mi 4 có lưu lượng về hồ khá cao trong tháng 8, trung bình khoảng 25m3/giây. Trong 2 ngày 19 và 20/8 đã tăng lưu lượng lên khoảng 30-40 m3/giây. Vì thế, ông Hòa cho rằng, thủy điện Đăk Mi 4 sẽ trả nước về hạ du khoảng 25 m3/giây; thủy điện A Vương còn 26 triệu m3 xả tối đa công suất 70m3/giây thì hồ còn khoảng 20 triệu m3. Nêu 2 thủy điện xả cùng lúc sẽ giảm mặn và giúp Đà Nẵng có nguồn nước sinh hoạt.  
Đáp từ đề nghị của Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, ông Đinh Hữu Tấn - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đăk Mi khẳng định, sẵn sàng chia sẻ nguồn nước và đề nghị phải có cuộc họp giữa thủy điện Đăk Mi 4, thủy điện A Vương và nhà máy nước Cầu Đỏ để thống nhất phương án.
Một người dân ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà mở vòi nước cả ngày nhưng không có một giọt.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp với Dawaco và các hồ thủy điện thống nhất quy trình vận hành trong giai đoạn trước mắt. Ông Dũng đề nghị thủy điện Đăk Mi 4 xả 25m3/giây về Đà Nẵng, thủy điện A Vương xả 70m3/giây trong 24 giờ sau cuộc họp.
Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Xây dựng căn cứ vào kịch bản đã được phê duyệt để đưa ra phương án thực hiện kịch bản thiếu nước; Dawaco chuẩn bị phương án dự trữ trong trường hợp xả nước về nhưng không đủ.
Bên cạnh đó, ông Dũng chỉ đạo những đơn vị liên quan cần có phương án dự phòng các điểm cấp nước, xe bồn; kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng chính quyền tiết kiệm nước. Để tránh thụ động và phụ thuộc vào một nguồn nước, ông Dũng chỉ đạo Văn phòng UBND TP đôn đốc các đơn vị xây dựng công trình bổ trợ, công trình phục vụ nước lâu dài.

Dawaco đã đưa ra đề xuất khẩn cấp xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để giữ nước ngọt cung cấp cho hoạt động sản xuất nước sạch cho TP Đà Nẵng. Đây là nội dung kịch bản ứng phó tình huống về sự cố cấp nước năm 2019 được UBND thành phố phê duyệt.

Theo đề xuất của Dawaco, phương án thi công đập tạm với giải pháp sử dụng 1 hàng cừ Lassen và hệ khung đỡ hai bên. Vị trí cách cầu Đỏ 3,5km về phía hạ lưu, chiều dài đập khoảng 200m để ngăn mặn, giữ ngọt cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước cầu Đỏ hoạt động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần