Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người. Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).

 Dân số Việt Nam đứng thứ 15 thế giới
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có mật độ dân số cao nhất cả nước
Sáng 11/7, Ban chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở trung ương, Bộ KH&ĐT công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019.
Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).
Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.
Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế - xã hội có sự khác biệt đáng kể, vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm gần 23,4%; tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người, chiếm 21,0%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số là 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.
Dân số khu vực thành thị tăng nhanh
Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.059.735 người, chiếm 34,4%; ở khu vực nông thôn là 63.149.249 người, chiếm 65,6%. Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm.
Tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với thời điểm 0 giờ ngày 1/4/ 2009. Tỷ lệ tăng số hộ  bình quân năm là 1,8%/năm trong giai đoạn 2009 - 2019, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009. Đây là giai đoạn có tỷ lệ tăng quy mô hộ thấp nhất trong vòng 40 năm qua.
Bình quân mỗi hộ dân cư có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người/hộ so với năm 2009. Tại khu vực thành thị, trung bình mỗi hộ dân có 3,3 người/hộ, thấp hơn khu vực nông thôn 0,3 người/hộ. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ cao nhất cả nước (3,8 người/hộ); vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,3 người/hộ).
Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5 m2/người, cao hơn 6,8 m2/người so với 10 năm trước. Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7 m2/người.
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh trong thập kỷ qua.
Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục trong nhiều năm qua. Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011.
Bắt đầu từ 1/4/2019 và kết thúc vào cuối ngày 25/4/2019, cuộc Tổng điều tra về dân số và nhà ở năm 2019 sẽ kéo dài trong 25 ngày . Kết quả sơ bộ của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sát sườn tới đời sống. Cuộc Tổng điều tra này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên phạm vi cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương cho biết, cuộc Tổng điều tra đã lồng ghép thông tin đáp ứng các chỉ tiêu thuộc Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện. Cuộc tổng điều tra nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phục vụ việc giám sát thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số.