Đảng bộ Hà Nội luôn thực hiện tốt vai trò gương mẫu, dẫn đầu

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh vai trò gương mẫu, dẫn đầu của Hà Nội đối với cả nước. Trong 90 năm xây dựng và phát triển, trong lãnh đạo, quản lý, Đảng bộ Hà Nội đã luôn thấm nhuần chỉ dẫn đó.

Gương mẫu, dẫn đầu trong các phong trào yêu nước

Tính từ dấu mốc ngày 17/3/1930, Thành ủy Hà Nội được thành lập, do đồng chí Đỗ Ngọc Du làm Bí thư, Đảng bộ Hà Nội đã gắn bó mật thiết với sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và phù hợp với một đô thị lớn, gắn đấu tranh với khôi phục, phát triển tổ chức đảng.

Trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ những năm 1936-1939 do T.Ư Đảng lãnh đạo, Đảng bộ Hà Nội đã tổ chức thực hiện tích cực các phong trào Đông Dương Đại hội, gửi dân nguyện, đấu tranh báo chí, nghị trường, tổ chức phong trào quần chúng.

Đảng bộ Hà Nội chủ động lãnh đạo phong trào diễn ra sôi nổi với các hình thức tập hợp lực lượng quần chúng, giác ngộ ý thức chính trị và phương pháp đấu tranh thích hợp trên địa bàn một đô thị lớn, có ảnh hưởng đến phong trào cả nước.

Trong các cuộc kháng chiến dành độc lập dân tộc tiếp theo đó, Đảng bộ Hà Nội có vị trí rất quan trọng trong lãnh đạo thực hiện đường lối kháng chiến, kiến quốc của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ các cấp đã lãnh đạo xây dựng, củng cố chính quyền, động viên, tổ chức Nhân dân thực hiện các chủ trương lớn.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh vai trò gương mẫu, dẫn đầu của Hà Nội đối với cả nước. Trong lãnh đạo, quản lý, Đảng bộ Hà Nội đã luôn thấm nhuần chỉ dẫn đó. Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục kinh tế sau chiến tranh, cùng với cả miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa theo đường lối của Đại hội III của Đảng (9/1960).

Đầu những năm 60, Hà Nội vững vàng với vai trò Thủ đô của một nước XHCN; trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc với nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhất là khu công nghiệp Thượng Đình, cung cấp máy móc, phần lớn hàng tiêu dùng cho Nhân dân miền Bắc và chi viện cách mạng miền Nam.

Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ và chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Nội càng tỏ rõ vai trò và sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những ngày tháng ác liệt nhất của chiến trường cả nước, nhiều người con Thủ đô đã ra trận. Nhiều tấm gương anh hùng của người Hà Nội hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đất nước thống nhất và cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt trong thời kỳ mới. Đảng bộ và chính quyền TP đã Nhân dân xây dựng lại sau chiến tranh. Đảng bộ Thủ đô cùng với Nhân dân thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 khóa IV (8/1979) làm cho sản xuất bung ra. Thực hiện Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong các hợp tác xã nông nghiệp, thực hiện Quyết định 25CP, 26CP của Chính phủ ngày 21/1/1981 về 3 kế hoạch trong kinh tế quốc doanh, Hà Nội cùng cả nước sôi nổi khảo nghiệm thực tiễn, kết họp với đổi mới tư duy lý luận để đổi mới từng phần, đi đến hình thành và khẳng định đường lối đổi mới toàn diện đất nước tại Đại hội VI của Đảng (12/1986).

Xây dựng đảng bộ mạnh từ thành phố đến cơ sở

Trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trong thành tựu chung của cả nước, có sự đóng góp lớn của Thủ đô Hà Nội trên tất cả các phương diện. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, mà còn là trung tâm kinh tế với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh, có hiệu quả thúc đẩy kinh tế cả nước, thu ngân sách và tăng trưởng GDP, thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hà Nội còn là trung tâm khoa học, công nghệ với đội ngũ trí thức đông đảo, nhân lực chất lượng cao. Hà Nội cũng là trung tâm văn hóa, du lịch. Năm 1999, Hà Nội được UNESCO bình chọn là thành phố duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình.

Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tạo điều kiện và nguồn lực mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, Thủ đô Hà Nội đã nhiều lần đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ. Xây dựng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.

Năm 2019, UNESCO tôn vinh Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” về lĩnh vực thiết kế. Thành quả xây dựng nông thôn mới ngoại thành theo 19 tiêu chí làm biến đổi sâu sắc diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nâng cao đời sống, chất lượng cuộc sống của nông dân, giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong tiến trình phát triển của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo suốt 90 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã có những cống hiến xứng đáng và có thể nêu rõ một số bài học thành công.

Trước hết, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội ở mọi thời kỳ cách mạng đều nêu cao trách nhiệm của địa bàn trọng yếu, trung tâm chính trị của đất nước, chủ động đi đầu và sáng tạo trong thực hiện đường lối, Cương lĩnh của Đảng. Thắng lợi và thành công, sự phát triển của Hà Nội có ảnh hưởng to lớn đối với cách mạng và sự phát triển của cả nước.

Ví như khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945 mang tính điển hình của sự chủ động, sáng tạo và có giá trị cao cả về thực tiễn và lý luận. Hà Nội trong xây dựng và bảo vệ miền Bắc tỏ rõ sức mạnh, bản lĩnh, năng lực tổ chức, giá trị văn hóa của Thủ đô anh hùng, Nhân dân cả nước luôn hướng về và bạn bè quốc tế khâm phục.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội có bước đi vững chắc, chương trình hành động thích hợp, toát lên hình ảnh của không chỉ một trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia mà còn là một đầu tàu kinh tế, kết hợp thành công đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị, tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tự lực vươn lên và tích cực hội nhập quốc tế.

Tiếp theo, với sự đoàn kết, gắn bó với Nhân dân, phát huy truyền thống “ngàn năm văn hiến”, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội luôn chú trọng sự nêu gương, làm hình mẫu cho cả nước. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu thực hiện khát vọng giành độc lập dân tộc.

Hà Nội khởi đầu cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hà Nội có nhiều thành công và phát triển trong xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho miền Bắc vững mạnh, làm tròn trách nhiệm hậu phương lớn và kiên cường trong đánh Mỹ. Trong xây dựng và trong chiến tranh, người Hà Nội vẫn vững vàng, điềm tĩnh, tự tin, mang phong cách hào hoa, thanh lịch, tỏa sáng khí thiêng sông núi của kinh đô muôn đời của nước Việt. Trong sự nghiệp đổi mới, truyền thống và sức sống, phong cách Hà Nội vẫn được giữ gìn, phát triển.

Sau nữa, Hà Nội cũng luôn chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh từ thành phố tới cơ sở, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ của Đảng bộ. Lãnh đạo Đảng bộ TP qua các thời kỳ nhận thức rõ Đảng bộ mạnh quyết định thành công của sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển thành phố, vì vậy đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt. Đảng bộ Hà Nội luôn luôn là Đảng bộ mạnh cả về trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo. Chính phong trào cách mạng của quần chúng trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới là thước đo sự vững mạnh và lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ Hà Nội. Điều đó cũng góp phần rất quan trọng vào sự vững mạnh của toàn Đảng.

Cùng với toàn Đảng và cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đang đứng trước vận hội mới để phát triển, đồng thời, phải vượt qua những thách thức, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, xứng tầm với vị thế của đất nước, với khu vực và trên thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần