Đảng bộ huyện Phú Xuyên: Phát triển làng nghề truyền thống theo hướng bền vững

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt lên những khó khăn, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Xuyên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Qua đó tạo được bước chuyển biến quan trọng trên mọi lĩnh vực, làm tiền đề và động lực mạnh mẽ để Đảng bộ huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.
Kinh tế tăng trưởng
Theo thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 6,65%, tăng 1,27 lần so với giai đoạn 2010 - 2015 (5,27%/năm), đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XXIV Đảng bộ huyện đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 55,93%, thương mại - dịch vụ chiếm 29,01%, nông nghiệp chiếm 15,06%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng có bước tăng trưởng là động lực chính cho phát triển kinh tế, đưa tăng trưởng bình quân đạt 6,95%/năm.
 Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh chủ trì cuộc họp giao ban các đơn vị, cơ quan trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Trường
Hoạt động xúc tiến, kêu gọi DN vào huyện đầu tư, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp làng nghề được tập trung thực hiện. Đặc biệt, huyện đang tích cực phối hợp triển khai và hoàn thiện xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, 3 cụm công nghiệp làng nghề ở xã Phú Túc, Đại Thắng, Phú Yên và đang đề nghị UBND TP chấp thuận thành lập thêm 3 cụm công nghiệp làng nghề ở xã Sơn Hà, Vân Từ, Tân Dân. Nhờ đó, trong những năm qua, các làng nghề truyền thống trên địa bàn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giúp ổn định đời sống người dân.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh, bình quân tăng 8,85%/năm. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số lượng DN đăng ký kinh doanh tăng dần qua từng năm. Mặc dù thời gian qua tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các làng nghề truyền thống. Nhưng nhờ có sự quyết tâm vượt qua khó khăn, đến nay trên địa bàn huyện đã phát triển được 595 DN (tăng 214 DN so với năm 2015) sản xuất trên nhiều lĩnh vực, đóng góp, phân phối các sản phẩm cho TP và những tỉnh lân cận.
Đến nay, 100% làng, cụm dân cư trên địa bàn đều có nghề, số làng được công nhận làng nghề truyền thống 49 làng, tăng 9 làng so với năm 2015. Số lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm 40%. Nhiệm kỳ qua, huyện đã tổ chức được 4 Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống cấp huyện và cấp xã với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự. Hàng năm, có hơn 200 đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu di tích lịch sử, du lịch kết hợp với mua sắm sản phẩm tại các làng nghề. Đặc biệt, du khách đến với 2 điểm du lịch làng nghề đã được UBND TP công nhận là điểm du lịch làng nghề may Vân Từ và khảm trai sơn mài Chuyên Mỹ.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng bình quân đạt 2,45% năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh.
Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND- UBND huyện Phú Xuyên dự lễ cắt băng khánh thành công trình trường học trên địa bàn.
Những năm gần đây, huyện chú trọng khảo nghiệm thành công một số giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay đã hình thành 11 mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch nên đã có 2.430ha đất được chuyển đổi, trong đó trang trại tổng hợp là 1.506ha, nuôi trồng thủy sản 445ha, cây ăn quả 178ha… Nhờ đó đã giúp thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 1.912 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 59,84 tỷ đồng.
Nâng cao đời sống người dân
Hiện nay, Phú Xuyên đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung nông thôn mới (NTM) 25 xã, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn và quy hoạch 4 cụm công nghiệp làng nghề và quy hoạch chi tiết xây dựng khu xử lý chất thải rắn Châu Can tỷ lệ 1/500.
Công tác xây dựng NTM được lãnh đạo các cấp, ngành tập trung chỉ đạo, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã huy động được 2.562 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, tăng gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.
Bên cạnh đó, huyện đầu tư làm mới, cải tạo, nâng cấp 64,6km đường giao thông trục xã, liên xã, 56km đường trục liên thôn và 159km đường ngõ, xóm, cứng hóa 577,3km đường trục chính nội đồng. Các tuyến đường liên huyện, xã, thôn và đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa, bảo đảm phục vụ đi lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. 100% thôn, khu dân cư đã có nhà văn hóa.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt kết quả thiết thực, tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm bình quân đạt 91%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,98% năm 2015 xuống còn 0,77%
Cùng với đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học tăng cao, đặc biệt hàng năm, huyện Phú Xuyên đều có học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học. Số trường học ba cấp đạt chuẩn Quốc gia tăng từ 17 trường năm 2015 lên 57 trường năm 2020.
Chỉ số cải cách hành chính của huyện những năm qua tăng dần, năm 2016 xếp hạng 30/30, đến năm 2019 xếp hạng 20/30. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, đến nay 100% xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM, đây là tiền đề đưa huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020.
Huyện Phú Xuyên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2025 từ 6,7 - 7,5%/năm, trong đó thương mại - dịch vụ 9 - 12%/năm, công nghiệp - xây dựng 7 - 7,5%/năm và nông nghiệp 5 - 6,5%/năm. Đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt trên 15%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới TP còn dưới 0,3%; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 77 triệu đồng/người/năm. Số hộ thoát nghèo bình quân năm là 126 hộ/năm… 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần