Đang chạy đua thời gian để cứu người trong vụ vỡ sông băng ở Ấn Độ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chức Ấn Độ hôm nay (10/2) cho biết, không còn nhiều thời gian để cứu những người vẫn còn mắc kẹt bên trong đường hầm sau trận lũ quét kinh hoàng, có khả năng gây ra bởi một vụ vỡ sông băng ở phía Bắc Himalaya.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các thi thể sau khi một phần của sông băng ở Himalaya bị vỡ hôm 7/2. 
Hơn 170 người đã mất tích sau khi một dòng nước và các mảnh băng vỡ trôi với tốc độ kinh hoàng, đổ xuống một thung lũng vào sáng 7/2 (giờ địa phương), cuốn trôi cầu và đường và va vào 2 nhà máy thủy điện.

Giới chức ngày 10/2 thông báo, đã tìm thấy 32 thi thể, và dự báo có thể mất nhiều ngày để tìm thấy nhiều thi thể hơn dưới hàng tấn đá và các mảnh vỡ khác cùng bùn xám dày đặc.

25 thi thể hiện vẫn chưa thể xác định danh tính. Nhiều người trong số các nạn nhân là người lao động nghèo từ hàng trăm km ở các vùng khác nhau của Ấn Độ, có nơi ở tại thời điểm xảy ra thảm họa có thể có thể chưa được biết đến.

Trọng tâm chính của chiến dịch cứu hộ lớn - diễn ra cả ngày lẫn đêm kể từ hôm 7/2 - là một đường hầm gần nhà máy thủy điện bị hư hại nghiêm trọng, đang được xây dựng tại Tapovan, bang Uttarakhand.
Các công nhân ở đó đã chiến đấu với hàng trăm tấn bùn, đá tảng và các chướng ngại vật khác để cố gắng tiếp cận 34 người mà những người cứu hộ hy vọng còn sống trong túi khí. "Khi thời gian trôi qua, cơ hội tìm thấy mọi người ngày càng giảm. Nhưng vẫn mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra", Piyoosh Rautela, một quan chức cấp cao về cứu trợ thảm họa của bang nói với AFP.
Hiện trường tại nhà máy thủy điện ở Tapovan, bang Uttarakhand.
Vivek Pandey, một phát ngôn viên của cảnh sát biên giới nói với Times of India rằng, nếu 34 người còn sống, mối lo ngại lớn nhất là khả năng họ bị hạ thân nhiệt, có thể gây tử vong. Bên ngoài đường hầm, đội y tế hiện đang túc trực với bình oxy và cáng.

Thảm họa bất ngờ này được cho là do các sông băng tan chảy nhanh chóng ở khu vực Himalaya, do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các hoạt động xây dựng đập, nạo vét lòng sông để lấy cát và chặt cây cối để làm đường mới - một số để tăng cường khả năng phòng thủ ở biên giới Trung Quốc - cũng bị xem là một trong những nguyên nhân khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần