Đang cưa gỗ, nam thanh niên bị lưỡi cưa văng trúng mặt

Thanh Xuân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/11, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E đã mổ cấp cứu xử trí vết thương vùng mặt và nối thần kinh mặt bằng kính vi phẫu cho bệnh nhân nam N.V.T.(35 tuổi, ở Hưng Hà, Thái Bình) bị tai nạn lao động do lưỡi cưa văng vào mặt.

Trước đó, bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng vết thương phức tạp vùng má trái khoảng 13cm, mép vết thương nham nhở và kéo dài từ vùng má trái đến gần góc miệng trái. Người nhà bệnh nhân cho biết, khi anh T. đang đứng trên giàn giáo cách mặt đất 10m và sử dụng cưa tay cưa khúc gỗ. Không may lưỡi cưa của máy cưa văng vào vùng mặt trái của bệnh nhân. Sau tai nạn, bệnh nhân bị chảy máu rất nhiều ở vùng mặt và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E cho biết: Bệnh nhân bị đứt đôi động mạch mặt, tổn thương thần kinh mặt và các cơ vùng mặt, đặc biệt là các cơ vận động vùng quanh miệng. Các bác sĩ cẩn thận luồn ống kiểm tra không thấy có tổn thương ống tuyến nước bọt (vì nếu tổn thương ở vị trí này sẽ gây dò nước bọt vào vết thương gây ra ổ nhiễm trùng dẫn đến áp xe).
 
Trong phòng mổ cấp cứu, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt tiến hành cặp lại động mạch mặt, nối thần kinh mặt bằng kính vi phẫu với độ phóng đại gấp nhiều lần, đảm bảo độ chính xác cao, giảm thiểu di chứng cho bệnh nhân. Sau đó các bác sĩ khâu phục hồi các cơ mặt cho bệnh nhân. Đây là công đoạn khó khăn nhất, bởi vì, do bệnh nhân bị đứt các nhánh thần kinh rất nhỏ nhưng lại chi phối các cơ vận động của khuôn mặt (biểu hiện của nét mặt). Nếu thực hiện không khéo thì khuôn mặt sau này của bệnh nhân khó biểu cảm được cảm xúc như tức giận, vui vẻ, hạnh phúc… “May mắn cho bệnh nhân là vết thương vẫn còn cuống mạch để nuôi phần vạt da bị lật lên không bị hoại tử. Vì thế khi các bác sĩ tiến hành nối thần kinh mặt bằng kính vi phẫu cho bệnh nhân thì khả năng phục hồi là rất tốt” – bác sĩ Nguyễn Đình Minh chia sẻ thêm.

Bác sĩ Minh khuyến cáo: Trong quá trình lao động, sinh hoạt hằng ngày, khi bị tai nạn với các vết thương vùng mặt nguy hiểm thì bệnh nhân cần được sơ cấp cứu sớm bằng cách dùng băng gạc sạch ấn chặt vào vùng chảy máu (vì vùng mặt tập trung các mạch máu dễ gây tình trạng mất máu nhiều). Sau đó, đưa đến cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại như kính vi phẫu và đội ngũ bác sĩ tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt có trình độ tay nghề cao để được xử lý cấp cứu và tạo hình khuôn mặt, đảm bảo tính thẩm mỹ tốt nhất cho bệnh nhân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần